Thời sự - Logistics

  • 5 cách hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh vận tải và dịch vụ logistics

     

    5 cách hiệu quả nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh vận tải và dịch vụ logistics

     

    19/05/2023 08:42

     

    Trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp trực tuyến đã cho thấy sự tăng trưởng đáng ngạc nhiên dẫn đến một bước nhảy vọt về nhu cầu đối với các dịch vụ hậu cần. Sự tập trung ngày càng tăng vào tầm quan trọng của việc giao hàng kịp thời, hiệu quả đã khiến nhiều công ty lớn phải tiến hành thuê ngoài các công ty 3PL để quản lý các dịch vụ hậu cần của họ.

     

    Trong một viễn cảnh khi mọi người đều muốn có mức giá tốt hơn, các công ty giao nhận vận tải và hậu cần phải hành động một cách thông minh để tạo sự khác biệt, bằng cách cạnh tranh ở chức năng và các phân khúc kinh doanh quan trọng khác. Điều này sẽ mang lại cho công ty nhiều lợi thế hơn một cách tổng thể nhất.

     

    container-operation-shanghai-sea-port-compressed.jpeg

     

    Dưới đây sẽ là một số yếu tố giúp công ty vận tải và dịch vụ Logistics có thể trở nên nổi bật hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và đánh bại đối thủ cạnh tranh của mình.

     

    Lập kế hoạch và đặt mục tiêu phù hợp

     

    Điều đầu tiên và quan trọng nhất mà doanh nghiệp cần xem xét là lập kế hoạch cho toàn bộ quy trình hậu cần.

     

    Mỗi bước trong quy trình giao nhận hàng hóa cần được sắp xếp theo một kế hoạch phù hợp. Từ hàng hóa được sản xuất và kho hàng đến sự an toàn và giao hàng kịp thời cho khách hàng ở điểm cuối – mọi thứ nên được thực hiện theo kế hoạch được lập sẵn một cách phù hợp.

     

    Với việc quản lý thời gian, vận chuyển và các thông số khác theo kế hoạch, doanh nghiệp sẽ có thể đạt được mức lợi nhuận hiệu quả. Quan trọng nhất, doanh nghiệp phải luôn đặt tiêu chuẩn chất lượng lên hàng đầu trong quá trình này.

     

    Để theo dõi tốt hơn, kiểm soát chất lượng và giao hàng kịp thời, lịch trình vận tải phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Cho dù quy trình được lên kế hoạch tốt đến đâu, doanh nghiệp không thể loại bỏ khả năng xảy ra các trường hợp không lường trước được.

     

    Các vấn đề liên quan đến sản phẩm, quá trình vận chuyển, thời gian luôn có thể xuất hiện. Từ đó, doanh nghiệp luôn nên có một kế hoạch khẩn cấp dự phòng để xử lý những tình huống này.

     

    Đầu tư vào công nghệ hỗ trợ

     

    hand-using-laptop-computer-with-virtual-screen-document-online-approve-paperless-quality-assurance-erp-management-concept-compressed.jpeg

     

    Công nghệ đã trở thành một trong những công cụ kinh doanh quan trọng và cốt lõi trong các ngành công nghiệp, và ngành Logistics cũng không phải ngoại lệ. Việc sử dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong các hoạt động hậu cần sẽ giúp doanh nghiệp giành lợi thế hơn so với đối thủ trên thị trường.

     

    Kho bãi, Giao nhận vận tải, Thủ tục hải quan, Khả năng hiển thị và theo dõi đơn hàng, Báo cáo thông tin, Hỗ trợ khách hàng – các ứng dụng phần mềm Logistics đều có vai trò thiết yếu trong tất cả những phân khúc này. Phần mềm vận chuyển hàng hóa và hậu cần cuối giúp tích hợp tất cả các chức năng hậu cần này.

     

    Công nghệ đã tạo ra nền tảng cộng tác và giao tiếp cho EDI (công nghệ trao đổi dữ liệu điện tử), đồng thời hỗ trợ chia sẻ thông tin theo thời gian thực trên toàn bộ chuỗi cung ứng. Những lợi ích của công nghệ trong hậu cần gần như không kể hết được. Giao tiếp nhanh hơn, đơn giản hóa hoạt động và tương tác với khách hàng tốt hơn là một số lợi thế của công nghệ trong ngành hậu cần.

     

    Cạnh tranh về dịch vụ khách hàng

     

    warehouse-workers-checking-inventory-large-distribution-warehouse-storage-compressed.jpeg

     

    Hầu hết thời gian của các đội dịch vụ khách hàng của các nhà cung cấp dịch vụ Logisitics là cung cấp trạng thái về đơn hàng của họ. Quá trình này chủ yếu liên quan đến sự tương tác của con người – do đó quá trình khá tốn thời gian và tài chính. Các giải pháp hiển thị mới có thể được áp dụng để tự động hóa và chuẩn hóa quá trình theo dõi đơn hàng, từ đó gửi cảnh báo tự động và cập nhật trực tiếp đến khách hàng.

     

    Khả năng quản lý tự động và cung cấp giải pháp tức thời này cho phép khách hàng theo dõi đơn hàng từ đầu đến cuối trong chuỗi cung ứng, đồng thời giảm thời gian và công sức cho các hoạt động dịch vụ khách hàng, từ đó giảm chi phí đáng kể.

     

    Sự hài lòng của khách hàng là cánh cửa đến lòng trung thành của họ. Phần mềm giao nhận vận tải được hỗ trợ với hệ thống quản lý quan hệ khách hàng (CRM) là công cụ hữu ích nhất để nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Việc CRM phân tích chuyên sâu về khách hàng tiềm năng giúp hiểu rõ yêu cầu của khách hàng, từ đó xây dựng các chiến lược chăm sóc khách hàng thân thiết nhằm nâng cấp dịch vụ một cách tốt nhất.

     

    Nghiên cứu thị trường để xác định đối tác

     

    Một chiến lược nghiên cứu thị trường hiệu quả để xác định vị trí và khách hàng, đối tác tiềm năng sẽ rất quan trọng đối với hoạt động hậu cần. Bên cạnh đó, việc duy trì chất lượng và giữ tiêu chuẩn dịch vụ cao cấp cho phép công ty duy trì lượng khách hàng ổn định. Có một mạng lưới tốt sẽ giúp mang lại lợi nhuận khổng lồ trong thời gian dài và đạt lợi thế hơn các đối thủ khác trên thị trường Logistics.

     

    Sử dụng dữ liệu có sẵn

     

    Với phần mềm báo cáo và phân tích dễ sử dụng, giá trị dữ liệu đã tăng lên đáng kể. Trong hoạt động hậu cần, có hàng trăm giao dịch mỗi ngày với hàng nghìn đối tác trên mạng lưới toàn cầu của họ. Mỗi một trong những giao dịch này tạo ra dữ liệu, từ đó phân tích và báo cáo dữ liệu sẽ rất quan trọng đối với các công ty vận chuyển hàng hóa và hậu cần.

     

    Ngoài ra, phân tích dữ liệu để xác định các mô hình mua sắm khác nhau còn giúp các công ty vận chuyển và hậu cần để quản lý hoạt động hiệu quả hơn. Thông tin chính xác, cụ thể và chính xác cho phép công ty tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, cung cấp dịch vụ, thời gian giao hàng... Đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, và những lợi ích và khả năng của dữ liệu là vô hạn.

     

    Tiến Khoa chuyển ngữ

     

    Bài viết của:https://vlr.vn/5-cach-hieu-qua-nham-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-van-tai-va-dich-vu-logistics-13332.html

     

  • 'Số hoá' ngành logistics để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường

     

    'Số hoá' ngành logistics để đáp ứng yêu cầu mới của thị trường

     

    Thứ Bảy, 20/05/2023 15:28

     

    Do ảnh hưởng của dịch bệnh, các hoạt động logistics vốn được coi là “xương sống” của chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ. Thực tế đó đã đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phát triển bền vững.

     

    Chú thích ảnh

     

    Cảng Cát Lái (Thành phố Hồ Chí Minh) là một trong những cửa ngõ trung chuyển quốc tế. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN.

     

    Mới có 40% doanh nghiệp logistics sử dụng công nghệ 

     

    Theo bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) giai đoạn 2022-2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%.

     

    Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu trong các nước ASEAN về số lượng doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics được Cơ quan Quản lý hoạt động hàng hải của Mỹ (FMC) cấp phép.

     

    Tuy nhiên, theo ông Phan Văn Chinh, Cục Trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, ngành logistics cũng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, chi phí dịch vụ logistics còn cao; việc đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau, giữa doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu còn yếu. Đặc biệt, hiện nay chưa hình thành được mạng lưới các doanh nghiệp logistics có quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường, thúc đẩy ngành logistics phát triển...

     

    Theo ông Chinh, một trong những nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế này là do ứng dụng công nghệ số trong logistics chưa thực sự đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển trong tình hình mới.


    Đồng quan điểm, ông Lê Quang Trung, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho rằng hiện nay mới có khoảng 40% doanh nghiệp dịch vụ logistics đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ.

     

    Trong đó, chủ yếu là các dịch vụ như khai báo hải quan (100% điện tử), thanh toán thuế (100% hóa đơn điện tử), dịch vụ quản lý khai thác cảng biển, quản lý hành trình xe vận chuyển hàng hóa, quản lý kho bãi,...

     

    Theo ông Trung, việc chuyển đổi số ngành logistics còn rất nhiều rào cản. Rào cản đó đến từ tư duy nhận thức, tập quán trong giao dịch với các chủ thể cùng với đó là vấn đề về kỹ thuật, công nghệ, việc chuyển đổi, lựa chọn công nghệ phù hợp với từng ngành hàng trong điều kiện hiện tại là điều không dễ.

     

    Đặc biệt, không ít doanh nghiệp gặp khó khăn về nhân sự, tài chính và hiện nay hành lang chính sách cho chuyển đổi số vẫn chưa đồng bộ, hệ thống dữ liệu chưa thống nhất, hạ tầng chưa hoàn thiện.

     

    “Số hoá” để thích nghi bối cảnh thị trường mới

     

    Theo các chuyên gia, logistics là một trong những ngành then chốt, được ví như “mạch máu” của nền kinh tế quốc dân đòi hỏi cần được đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong khía cạnh “số hóa” để có thể đáp ứng, thích nghi với bối cảnh thị trường, hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác. Nếu chuyển đổi số thành công thì có thể rút ngắn thời gian chờ tại cảng lên tới 70%.

     

    Ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing, Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn cho biết, thời gian qua, công ty đã triển khai đồng loạt cảng điện tử ePort, lệnh giao hàng và hệ thống kho hàng điện tử cùng với ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào chăm sóc khách hàng.

     

    Chỉ riêng việc ứng dụng cảng điện tử đã cho phép khách hàng khai báo trực tuyến thông tin container, thông tin hàng hóa, khai báo tờ khai, thanh toán, cho đến khai báo lệnh giao hàng điện tử… Hay như việc phát triển thêm tính năng check-in online, áp dụng tại cảng Cát Lái, giúp giảm thời gian chờ của phương tiện trước cổng cảng, tiến đến phát triển cảng tự động. Kết quả, thời gian xe chờ tại cổng cảng giảm từ 13 phút xuống còn 6 phút; thời gian thông quan hải quan điện tử giảm 2 phút/container.

     

    “Chúng tôi cũng tiết kiệm khoảng 30.000- 50.000 tờ giấy/ngày in ấn chứng từ, giảm 3.000-5.000 lượt xe/ngày di chuyển từ trung tâm thành phố và khu vực văn phòng hãng tàu đến cảng. Sản lượng giao nhận từ 11.000 lượt xe/ngày lên 19.000-20.000 lượt xe/ ngày”, ông Trương Tấn Lộc nói.

     

    Từ thực tế hoạt động, ông Trương Tấn Lộc cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành cần xây dựng hệ thống dữ liệu chung, kết nối với các cảng trong khu vực và trên thế giới, góp phần tăng hiệu suất khai thác, sức cạnh tranh của Việt Nam với các cụm cảng lân cận như Singapore hay Thái Lan.

     

    Ông Lộc cũng kiến nghị Nhà nước xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ, đẩy nhanh tiến độ các dự án kết nối hạ tầng giao thông, kết nối đa phương thức giao thông; tăng cường đầu tư vào hạ tầng hậu cần và kho bãi, hệ sinh thái logistics, tháo gỡ các “nút thắt” về giao thông để việc kết nối, vận chuyển hàng hóa được thuận lợi.

     

    Còn ông Nguyễn Triều Quang, Giám đốc Khối vận hành miền Bắc, Lazada Việt Nam nhận định, doanh nghiệp logistics cũng cần xây dựng hệ sinh thái bền vững và toàn diện để nắm lấy cơ hội của thương mại điện tử, đồng thời nâng cao trải nghiệm giao nhận hàng hóa từ mọi điểm chạm; ứng dụng công nghệ và chuẩn hóa quy trình để tối ưu hiệu suất vận hành, phát triển logistics xanh bền vững.

     

    Tuy nhiên, bà Cao Cẩm Linh, chuyên gia chuyển đổi số, Công ty cổ phần Tư vấn và dịch vụ Viettel cho rằng, vấn đề quan trọng là doanh nghiệp nên biết khi nào cần chuyển đổi số và chuyển đổi số như thế nào. Theo bà Linh, doanh nghiệp hạ tầng và doanh nghiệp vận hành giao nhận khối lượng hàng hóa lớn bắt buộc phải ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số sâu. Bởi có khối lượng hàng hóa lớn đồng nghĩa doanh nghiệp có dữ liệu lớn để thu thập và phân tích, qua đó xử lý luồng hàng bảo đảm chính xác và nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, giảm chi phí cho doanh nghiệp.

     

    “Doanh nghiệp nhỏ chưa có nhiều khách hàng, quan hệ, hãy xử lý giao nhận hàng hóa bằng nhân lực, chưa cần lãng phí đầu tư máy móc, công nghệ”, bà Linh nhấn mạnh.

     

    Trong khi đó, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, chuyển đổi số là việc của từng cá nhân, từng cơ quan, từng đơn vị. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi số cần có sự đồng hành, phối hợp, hỗ trợ, liên kết của tất cả các đơn vị liên quan. Điều này sẽ tạo ra sự lan tỏa, sự thúc đẩy giúp các doanh nghiệp chuyển đổi số thành công.

     

    Thu Trang/Báo Tin tức

     

    Bài viết của:https://baotintuc.vn/kinh-te/so-hoa-nganh-logistics-de-dap-ung-yeu-cau-moi-cua-thi-truong-20230520152002665.htm

  • Bộ GTVT công bố 11 cảng cạn Việt Nam

     

    Bộ GTVT công bố 11 cảng cạn Việt Nam

     

    05/05/2023 08:30

     

    Thêm một cảng cạn mới chính thức được công bố trong danh mục cảng cạn Việt Nam là cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.

     

    Bộ GTVT vừa có Quyết định số 506, công bố Danh mục 11 cảng cạn Việt Nam. Danh mục các cảng cạn gồm: Cảng cạn (ICD) Hải Linh (Phú Thọ); Cảng cạn Km 3+4 Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Cảng cạn Tân Cảng Hải Phòng; Cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình; Cảng cạn Hoàng Thành; Cảng cạn Long Biên; Cảng cạn Tân Cảng Hà Nam; Cảng cạn Phúc Lộc - Ninh Bình; Cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch; Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ và cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.

     

    bộ gtvt công bố 11 cảng cạn việt nam

     

    So với Quyết định 584 vào tháng 5/2022, danh mục cảng cạn lần này bổ sung thêm một cảng cạn mới (Ảnh minh họa)

     

    Như vậy, so với Quyết định số 584 ngày 9/5/2022 của Bộ GTVT về việc công bố Danh mục cảng cạn Việt Nam, danh mục mới đã bổ sung cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.

     

    Bộ GTVT giao Cục Hàng hải VN có trách nhiệm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ theo quy định về đầu tư xây dựng, quản lý khai thác cảng cạn và các quy định của pháp luật có liên quan.

     

    Hồi đầu năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành quyết định công bố mở cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.

     

    ICD Tân Cảng - Long Bình do Công ty Cổ phần ICD Tân Cảng Long Bình là chủ đầu tư, có tổng diện tích giai đoạn 1 là 24,8ha.

     

    Cảng cạn hiện có diện tích khai thác 105ha, gồm 30 kho hàng, tổng diện tích gần 500.000m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn cao, thực hiện nhiều chức năng khác nhau như kho ngoại quan, kho nội địa, kho CFS (kho chuyên dùng để lưu trữ hàng lẻ xuất nhập khẩu), kho phân phối, kho mát, kho lạnh, kho hóa chất nguy hiểm và các loại kho được thiết kế riêng biệt theo nhu cầu của khách hàng.

     

    Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư có trách nhiệm thực hiện các trách nhiệm và quyền hạn của doanh nghiệp khai thác cảng theo quy định tại Nghị định số 38/2017 của Chính phủ và quy định của pháp luật có liên quan.

     

    Trong đó, chỉ tổ chức khai thác cảng cạn khi đã hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định và đúng mục đích, phù hợp với các giai đoạn đầu tư, bảo đảm an toàn, an ninh, phòng chống cháy, nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường.

     

    Đồng thời, chủ đầu tư có trách nhiệm khai thác, bảo trì các công trình, hạng mục theo đúng mặt bằng, diện tích giai đoạn 1 đã được công bố và các quy định hiện hành. Mọi trường hợp cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng công trình phải báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.

     

    Hồ An

     

    Bài viết của:https://www.baogiaothong.vn/bo-gtvt-cong-bo-11-cang-can-viet-nam-d589920.html

  • Cách nào gỡ “tắc” đường vào cảng biển TP. Hồ Chí Minh?

     

    Cách nào gỡ “tắc” đường vào cảng biển TP. Hồ Chí Minh?

     

    29/05/2023 07:46

     

    Cảng biển là đầu mối quan trọng trong chuỗi logistics, có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của cả quy trình này.

     

    Cảng biển là đầu mối quan trọng trong chuỗi logistics, có vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả của cả quy trình này. Mục tiêu của dịch vụ cảng biển logistics chính là tập trung xây dựng các hệ thống dịch vụ khai thác cảng nhằm phát triển kinh tế, thế nhưng hiện nay TP. Hồ Chí Minh lại đang đối mặt với sự quá tải hệ thống giao thông kết nối vào cảng. Chính vì vậy, một số cảng biển có tiềm năng và lợi thế nhưng không thể khai thác tối ưu hiệu quả và mất ưu thế cạnh tranh hơn so với các cảng đối thủ khác trong khu vực.

     

    Đường vào cảng Cát Lái luôn ùn tắc vào khung giờ cao điểm. Ảnh: Mỹ Lệ

     

    Đường vào cảng Cát Lái luôn ùn tắc vào khung giờ cao điểm. Ảnh: Mỹ Lệ

     

    Vốn vẫn "tắc" trên đường đến cảng

     

    Từ ngày 01/4/2022, TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển. Mỗi ngày, hệ thống này thu vào khoảng 7,7 tỷ đồng và tính đến nay tổng số tiền thu được khoảng 3.000 tỷ đồng. Việc tổ chức thu phí hạ tầng cảng biển ngay từ đầu được xác định là để đầu tư các tuyến đường vào cảng biển hiện đang ùn tắc. Thế nhưng, việc triển khai đầu tư cho hệ thống giao thông vào các cảng vẫn gặp khó. Theo ông Bùi Hòa An - Phó Giám đốc Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh thông tin, việc đầu tư các đường vào cảng không phải muốn là làm được ngay mà phải giải ngân theo tiến độ, sắp xếp chủ trương đầu tư, ưu tiên thế nào. Số tiền phí thu được đảm bảo không ngoài mục tiêu đầu tư vào hạ tầng cảng biển. Tuy nhiên, hiện nay Thành phố mới thu được 3.000 tỷ đồng và mục tiêu đặt ra trong 5 năm tới là 15.000 tỷ đồng, con số này cũng chỉ mới đáp ứng 14 - 16% nhu cầu hiện hữu.

     

    Theo ông An, tổng nhu cầu vốn đến năm 2025 cần tới 103.347 tỷ đồng và nguồn thu từ phí hạ tầng cảng biển chỉ bù đắp một phần so với tổng nhu cầu vốn để tập trung hoàn thiện các tuyến đường vào cảng biển. Hiện nay, có 14 dự án hạ tầng cảng biển chuẩn bị đầu tư, cụ thể là đường Nguyễn Thị Định mở rộng 8 làn xe đoạn từ Mỹ Thủy đến phà Cát Lái, kinh phí hơn 1.100 tỷ đồng. Dự án hoàn chỉnh vòng xoay Mỹ Thủy với các hạng mục còn lại như cầu vượt cho xe rẽ trái theo hướng từ cảng Cát Lái về cầu Phú Mỹ; xây cầu Kỳ Hà 4... Đường Nguyễn Duy Trinh đoạn từ Vành đai 2 đến cảng Phú Hữu cũng được mở rộng lên 30 m, vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng. Đồng thời, Thành phố cũng xây thêm tuyến đường mới từ cảng Cát Lái đến Phú Hữu, dài 1,6 km, rộng 30 m, tổng mức đầu tư gần 950 tỷ đồng... và một số dự án khác.

     

    Trước mắt, từ nay đến năm 2025, Thành phố sẽ ưu tiên vốn đầu tư hai đoạn Vành đai 2 qua TP. Thủ Đức, gồm đoạn từ cầu Phú Hữu đến Xa lộ Hà Nội (dài 3,5 km) và từ Xa lộ Hà Nội đến đường Phạm Văn Đồng (dài 2,8 km) với tổng kinh phí hơn 17.000 tỷ đồng. Các dự án này khi hoàn thành sẽ tạo trục mới nối các cụm cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ. Ngoài tăng năng lực khai thác hàng hóa cho các cảng, trục đường này giúp phân luồng, giảm ùn tắc cho nội đô. Bên cạnh đó, trong nhóm 14 dự án hạ tầng cảng biển đang có kế hoạch đầu tư, Thành phố ưu tiên đầu tư thêm 2 dự án gồm: nâng tĩnh không cầu Bình Triệu 1 trên QL.13 và nâng tĩnh không cầu Bình Phước 1 trên QL.1.

     

    Ưu tiên kết nối hệ thống đường cao tốc

     

    Trước đó, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã có kiến nghị UBND Thành phố bổ sung quy hoạch tuyến đường nối khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu vào cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây và đường Vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, đồng thời triển khai thực hiện đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách.

     

    Thời gian qua, Sở GTVT TP. Hồ Chí Minh đã chủ trì, phối hợp UBND TP. Thủ Đức, doanh nghiệp cảng dọc tuyến đường và các đơn vị tư vấn nghiên cứu, rà soát các đồ án quy hoạch liên quan, thông tin các dự án, công trình bị ảnh hưởng bởi tuyến đường liên cảng. Các đơn vị thống nhất phương án tuyến với điểm đầu là đường Nguyễn Thị Định, điểm cuối là nút giao đường Vành đai 3 và cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Chiều dài tuyến khoảng 6 km, mặt cắt ngang rộng 60 m.

     

    Hiện khu vực này có 3 tuyến đường đang và sẽ tổ chức thu phí theo hình thức hợp đồng BOT. Việc đầu tư xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu theo hình thức BOT sẽ gặp nhiều khó khăn về tính khả thi thu phí hoàn vốn và dễ gặp phản ứng của các doanh nghiệp vận tải về việc "phí chồng phí".

     

    Ngoài ra, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND TP. Hồ Chí Minh giao Ủy ban TP. Thủ Đức chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan khẩn trương tổ chức bổ sung quy hoạch tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu, điều chỉnh cục bộ các đồ án quy hoạch phân khu có liên quan và cập nhật vào quy hoạch chung của thành phố để làm cơ sở triển khai thực hiện các bước tiếp theo.

     

    Các chuyên gia nhận định, cảng Cát Lái nằm trên sông Đồng Nai là cảng trọng điểm, quan trọng đối với xuất nhập khẩu hàng hóa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và TP. Hồ Chí Minh nói riêng. Sản lượng hàng container của cảng này hiện chiếm khoảng 85% so với các cảng phía Nam và 50% so với các cảng trên cả nước. Nhưng trên thực tế, tình trạng giao thông ra vào khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu hiện rất khó khăn, thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc .

     

    Do đó, khi xây dựng tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu sẽ góp phần chia sẻ lưu lượng, giảm thiểu nguy cơ ùn tắc các tuyến đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống, Nguyễn Duy Trinh…, đồng thời kết hợp điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất, bổ sung các khu vực dịch vụ logistics lân cận cụm cảng Cát Lái - Phú Hữu. Bên cạnh đó, hiện cảng Sài Gòn đang thực hiện việc quy hoạch di dời ra khu vực Cần Giờ, tương lai kết nối vào cao tốc Bến Lức - Long Thành sẽ giúp giải tỏa ùn tắc nội đô cho TP. Hồ Chí Minh.

     

    Theo TS. Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế đánh giá, việc di dời cảng Sài Gòn và xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là phù hợp với chiến lược phát triển dịch vụ logistics và hình thành trung tâm tài chính quốc tế của TP. Hồ Chí Minh, đặc biệt là với kế hoạch di dời các cảng ra khỏi nội đô. Theo Nghị quyết 24 của Bộ Chính trị về phát triển Đông Nam bộ, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị (NQ-TW 30/12/2022), Nghị quyết 12 của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Nghị quyết 81 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia đã có chấp thuận cho phép đầu tư xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg, TP. Hồ Chí Minh sẽ nghiên cứu đầu tư cảng nước sâu phục vụ công tác di dời các cảng khu vực Quận 7 và cảng trung chuyển hàng container, cảng tàu khách quốc tế.

     

    Đây là dự án quyết định đến sự phát triển của cảng Sài Gòn sau khi thực hiện di dời toàn bộ khu cảng Nhà Rồng Khánh Hội và Tân Thuận. Ông Nguyễn Lê Chơn Tâm - Tổng Giám đốc Cảng Sài Gòn chia sẻ: "Cảng Sài Gòn kiến nghị việc di dời Cảng Tân Thuận được thực hiện đồng bộ với việc triển khai dự án đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Đơn vị sẽ hoàn tất di dời cảng Tân Thuận cùng thời điểm với việc triển khai cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ. Đồng thời, chúng tôi đang xây dựng đề xuất phát triển tại khu vực cảng Tân Thuận theo quy hoạch của TP. Hồ Chí Minh và Quận 7, góp phần vào sự phát triển của Thành phố".

     

    Như vậy, trong tương lai, hệ thống cảng tại khu vực phía Đông và phía Tây sẽ có sự dịch chuyển, kéo theo việc đầu tư đồng bộ hệ thống giao thông ra vào các cảng mới được "giải tỏa". Các doanh nghiệp vận tải vẫn phải chia sẻ với các tuyến đường hiện hữu đang "ùn tắc" từng ngày, do đó cần đẩy nhanh, sắp xếp nguồn vốn ưu tiên cho các dự án kết nối ra vào cảng.

     

    Mỹ Lệ

     

    Bài viết của:https://tapchigiaothong.vn/cach-nao-go-tac-duong-vao-cang-bien-tp-ho-chi-minh-183230518101841254.htm

  • Cảng cạn có diện tích lớn nhất Việt Nam

     

    Cảng cạn có diện tích lớn nhất Việt Nam

     

    06-05-2023 - 08:43 AM

     
     
     
     
     
    (Tổ Quốc) - Theo Bộ Giao thông Vận tải, Việt Nam hiện có 11 cảng cạn.
     

    Cụ thể, theo Quyết định số 506, công bố Danh mục 11 cảng cạn Việt Nam gồm có: Cảng cạn (ICD) Hải Linh (Phú Thọ); Cảng cạn Km 3+4 Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; Cảng cạn Tân Cảng Hải Phòng; Cảng cạn Đình Vũ - Quảng Bình; Cảng cạn Hoàng Thành; Cảng cạn Long Biên; Cảng cạn Tân Cảng Hà Nam; Cảng cạn Phúc Lộc - Ninh Bình; Cảng cạn Tân Cảng Nhơn Trạch; Cảng cạn Tân Cảng Quế Võ và cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1.

     

    Đầu năm 2023, Bộ GTVT đã ban hành quyết định công bố mở cảng cạn Tân Cảng Long Bình giai đoạn 1 tại phường Long Bình, Biên Hòa, Đồng Nai. Cảng cạn Tân Cảng Long Bình có diện tích giai đoạn 1 là 24,8ha

     

    Hiện nay, cảng cạn Tân Cảng Long Bình có hệ thống kho hàng rộng lớn nhất tại Việt Nam với diện tích khai thác 105ha, gồm 30 kho hàng, tổng diện tích gần 500.000m2 được xây dựng theo tiêu chuẩn cao.

     

    Cảng cạn Tân Cảng Long Bình được xây dựng để thực hiện nhiều chức năng khác nhau như kho ngoại quan, kho nội địa, kho CFS (kho chuyên dùng để lưu trữ hàng lẻ xuất nhập khẩu), kho phân phối, kho mát, kho lạnh, kho hóa chất nguy hiểm và các loại kho được thiết kế riêng biệt theo nhu cầu của khách hàng.

     

    Năm 2022, Đồng Nai đạt kim ngạch xuất nhập khẩu trên 43,54 tỷ USD, chiếm gần 7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Chính vì vậy, việc phát triển hệ thống kho bãi, cảng và hoạt động phục vụ xuất nhập khẩu, phục vụ các doanh nghiệp sẽ tạo đà phát triển kinh tế cho Đồng Nai.

     

    Do đó, việc mở Cảng cạn Tân Cảng Long Bình tạo thuận lợi thương mại cho doanh nghiệp, phát triển kinh tế của Đồng Nai.

     

    Trên thực tế, Đồng Nai có nhiều thuận lợi về tiềm năng phát triển logistics trong giao thương hàng hải quốc tế. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai liền kề TP.HCM, nằm giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm và mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện. Theo đó, Đồng Nai nối liền Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, toàn bộ đồng bằng Sông Cửu Long và là cửa ngõ trọng yếu phía đông của TP.HCM.

     

    Hiện nay, tỉnh Đồng Nai sở hữu hệ thống hạ tầng cơ sở toàn diện, từ mạng lưới giao thông quốc gia đến hệ thống đường kết nối liên tỉnh, liên huyện. Các công trình hạ tầng hiện hữu, những hệ thống giao thông liên kết kinh tế chính của địa phương gồm có: quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc Nam, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.

     

    Về đường sắt, tỉnh Đồng Nai hiện chiếm hơn 5% tổng chiều dài đường sắt Việt Nam, với 8 nhà ga đường sắt để vận tải hàng hóa và con người. Đặc biệt, theo dự kiến, dự án sân bay quốc tế Long Thành với năng suất phục vụ 100 triệu khách/năm, luân chuyển hàng hóa hơn 5 triệu tấn/năm.

     

    Hơn nữa, Đồng Nai là trung tâm giao thông vùng nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng, các tỉnh, thành khác.

     

    Do đó, theo Ban Quản lý các KCN Đồng Nai, những tiềm năng về logistics trên góp phần giúp Đồng Nai trở thành trung tâm logistics, công nghiệp và dịch vụ hàng đầu Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.

     

    Bên cạnh đó, Đồng Nai còn có tiềm năng lớn trong phát triển các KCN. UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, tỉnh hiện có lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ trong phát triển KCN khi sở hữu quỹ đất lớn. Trên thực tế, Đồng Nai là tỉnh đang có số KCN đang hoạt động nhiều nhất cả nước, 31 KCN.

     

    Theo quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025 của tỉnh, ba KCN được Đồng Nai quy hoạch mở rộng là khu công nghiệp Long Khánh (Thống Nhất), khu công nghiệp Dầu Giây và khu công nghiệp Tân Phú (Tân Phú) với diện tích mở rộng là 745 ha.

     

    Tổng diện tích các khu công nghiệp đầu tư mới là hơn 4.300 ha gồm khu công nghiệp Hàng Gòn (TP Long Khánh), khu công nghiệp đô thị dịch vụ Xuân Quế (Cẩm Mỹ), khu công nghiệp dịch vụ cảng Phước An (Nhơn Trạch); Bàu Xéo 2 (Trảng Bom).

     

    Minh Tiến

     

    Bài viết của:http://nhipsongkinhte.toquoc.vn/cang-can-co-dien-tich-lon-nhat-viet-nam-20230505232412175.htm

  • Cảng Los Angeles đạt sản lượng 688.000 TEU trong tháng 4

     

    Cảng Los Angeles đạt sản lượng 688.000 TEU trong tháng 4

     

     

    Cảng Los Angeles đã khai thác đạt tổng sản lượng 688.110 TEU trong tháng 4 năm 2023, giảm 22% so với cùng kỳ tháng 4 năm trước.

     

    Cảng Los Angeles

     

    Cảng Los Angeles (Ảnh: Fox11)

     

    Hàng hóa nhập khẩu bằng container đạt tổng cộng 343.689 TEU trong tháng 4 năm 2023, giảm 25% so với năm trước. Hàng xuất khẩu bằng container đạt 88.202 TEU, giảm 12% so với năm trước, trong khi container rỗng là 256.220 TEU, giảm 23% so với năm 2022.

     

    Vận chuyển hàng hóa của cảng Los Angeles đã tăng 28% vào tháng 3 năm 2023 so với tháng 2 năm 2023, trong khi đó mức tăng chỉ đạt 10% vào tháng 4 năm 2023 so với tháng 3 năm 2023.

     

    Cảng đã xử lý 2.525.204 TEU trong bốn tháng đầu năm 2023, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022. Năm ngoái, bốn tháng đầu năm đã ghi nhận đạt kết quả tốt nhất trong lịch sử của cảng.

     

    Gene Seroka, giám đốc điều hành của Port of Los Angeles cho biết: “Nền kinh tế toàn cầu đang nguội lạnh, các nhà kho chứa đầy hàng tồn kho cũ và các cuộc đàm phán lao động kéo dài ở Bờ Tây đều góp phần làm thương mại chậm lại.

     

    Seroka nói thêm, “Nếu điều kiện kinh tế được cải thiện và chúng tôi có được một thỏa thuận lao động, điều đó sẽ giúp cải thiện khối lượng trong nửa cuối năm nay. Chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho đợt tăng giá hàng hóa tiếp theo, bất cứ khi nào nó đến.”

     

    Nguồn: Phaata.com (Theo ContainerNews)

     

    Bài viết của:https://phaata.com/thi-truong-logistics/cang-los-angeles-dat-san-luong-688000-teu-trong-thang-4-21890.html

  • Châu Âu giảm nhập khẩu, giá vận chuyển xuyên Đại Tây Dương tiếp tục giảm mạnh

     

    Châu Âu giảm nhập khẩu, giá vận chuyển xuyên Đại Tây Dương tiếp tục giảm mạnh

     

    29/04/2023 08:30

     

    Tuyến thương mại xuyên Đại Tây Dương là “điểm sáng” cho các tuyến vận chuyển container ở bối cảnh toàn cầu sụt giảm trong năm qua. Tỷ lệ giữa châu Âu và Hoa Kỳ là một ngoại lệ, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thương mại xuyên Thái Bình Dương, và cho đến gần đây vẫn vượt xa mức trước Covid-19. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại hàng nhập khẩu vào châu Âu trên tuyến này đang giảm mạnh.

     

    Nhưng hiện tại, mặc dù phí bảo hiểm vẫn thế, nhưng nó đang giảm sút nhanh chóng. Giá cước giao ngay tại Bờ Đông - châu Âu tiếp tục giảm đều đặn như đã từng thấy trước đây thông qua các giao dịch. Chỉ có sự khác biệt duy nhất là độ trễ về thời gian.

     

    Dữ liệu nhập khẩu giải thích “sự sụp đổ muộn màng” của tuyến vận chuyển xuyên Đại Tây Dương. Thương mại châu Á - Mỹ bị chi phối bởi hàng tiêu dùng. Các mặc hàng này rơi đầu tiên. Thương mại châu Âu - Hoa Kỳ chủ yếu được thúc đẩy bởi vật liệu xây dựng và thứ đồ uống, đồ nội thất và thiết bị cơ khí (bao gồm cả phụ tùng ô tô).

     

    Chỉ số hàng ngày của Freightos Baltic

     

    Freightos Baltic Daily Index (FBX) đưa ra mức cước trung bình của Bờ Đông - châu Âu ở mức 3.081 USD/đơn vị tương đương 40 foot vào thứ Năm, giảm 44% từ đầu năm đến nay.

     

    Tỷ lệ phí bảo hiểm so với trước Covid đối với giao dịch này đã giảm xuống còn 1.022 USD mỗi FEU.

     

    Vào đầu năm nay, mức chênh lệch đã cao hơn gấp ba lần. Vào đầu tháng 10, phí bảo hiểm so với trước Covid cao gấp 6 lần so với hiện tại, theo dữ liệu của FBX, ở mức hơn 6.100 USD mỗi FEU.

     

    picture1.png

     

    Tỷ lệ tính bằng USD trên mỗi FEU. Dòng màu xanh lam: 2022-23. Đường màu cam: 2018-19, trước Covid. (Biểu đồ: Freight Waves SONAR)

     

    So sánh đường cong lãi suất FBX châu Âu - Bờ Đông trong 5 năm với tổng hợp toàn cầu của FBX (tổng hợp của tất cả các giao dịch được FBX bao trả) cho thấy thương mại xuyên Đại Tây Dương đạt đỉnh như thế nào sau đó trong thời kỳ bùng nổ và gần như song song với toàn cầu với xu hướng đi giảm chậm.

     

    picture-2.png

     

    Tỷ lệ tính bằng USD trên mỗi FEU. Đường màu xanh: tổng hợp toàn cầu. Đường màu xanh lá cây: châu Âu - Bờ Đông. (Biểu đồ: Freight Waves SONAR)

     

    Chỉ số Drewry, Platts, Xeneta

     

    Các đánh giá tỷ giá giao ngay xuyên Đại Tây Dương từ Platts và Xeneta gần giống với FBX. Những con số từ Drewry cao hơn đáng kể (nhấn mạnh cách các nhà cung cấp chỉ số khác nhau có thể cho thấy cùng một xu hướng nhưng lại công bố những con số rất khác nhau).

     

    Đánh giá giá cước giao ngay Rotterdam-New York của Chỉ số container Thế giới Drewry (WCI) trong tuần kết thúc vào thứ Năm là $4,806/FEU, giảm 35% từ đầu năm đến nay. Theo WCI, phí bảo hiểm so với trước Covid vẫn là mức rất ấn tượng $2,504 mỗi FEU, mặc dù phí bảo hiểm chỉ bằng một nửa vào đầu năm nay. Chênh lệch WCI so với mức trước đại dịch đối với giá cước Rotterdam - New York cao tới 5.400 USD/FEU vào đầu tháng 11.

     

    picture-3.jpg

     

    Tỷ lệ tính bằng USD trên mỗi FEU. Dòng màu xanh lam: 2022-23. Đường màu tím: 2018-19, trước Covid. (Biểu đồ: Freight Waves SONAR)

     

    Cũng như FBX, biểu đồ WCI 5 năm cho thấy tỷ giá giao ngay Rotterdam - New York theo cùng một mô hình như tỷ giá tổng hợp toàn cầu nhưng với đỉnh thấp hơn và độ trễ nhiều tháng trên đường lên và xuống.

     

    picture-4.png

     

    Tỷ lệ tính bằng USD trên mỗi FEU. Đường màu xanh: tổng hợp toàn cầu. Đường màu cam: Rotterdam - New York. (Biểu đồ: Freight Waves SONAR)

     

    Platts đánh giá giá cước giao ngay tuyến xuyên Đại Tây Dương ở mức $3.100/FEU trong tuần kết thúc vào ngày 21 tháng 4, giảm 11% mỗi tuần xuống mức thấp nhất kể từ ngày 1 tháng 4 năm 2022.

     

    Các nguồn tin nói với Platts rằng lãi suất giảm do “nhu cầu đối với hàng hóa châu Âu giảm, chi phí năng lượng tăng và tình trạng dư thừa tàu trong thương mại”.

     

    picture-5.png

     

    (Biểu đồ: Xeneta)

     

    Chỉ số lãi suất ngắn hạn XSI-C của Xeneta đặt giá cước Bắc Âu - Bờ Đông ở mức 3.060 USD/FEU vào thứ Tư, giảm 23% so với tháng trước và 57% so với đầu năm. Chỉ số XSI-C cho tuyến đường này chưa bao giờ thấp như vậy kể từ tháng 3 năm 2021.

     

    Dữ liệu của Xeneta cho thấy giá hợp đồng dài hạn trên tuyến đường này cũng đang giảm mạnh. Công ty cho biết các hợp đồng dài hạn cho tuyến Bắc Âu - Bờ Đông đạt trung bình 4.750 USD/FEU tính đến thứ Hai. Lãi suất dài hạn ở làn này chưa từng thấp như vậy kể từ tháng 9 năm 2021. Xeneta dự kiến ​​lãi suất dài hạn sẽ giảm hơn nữa vào tháng 5.

     

    Động lực năm 2022 của tuyến vận tải xuyên Đại Tây Dương

     

    Các cảng Bờ Đông nhìn chung hoạt động tốt hơn các cảng Bờ Tây kể từ khi bắt đầu suy thoái sau thời kỳ bùng nổ. Định tuyến lại hàng hóa khỏi các cảng California là một động lực lớn, nhưng không phải là động lực duy nhất. Hàng nhập khẩu từ châu Âu - chiếm khoảng 20% ​​tổng số hàng nhập khẩu container hóa của Hoa Kỳ - cũng đóng một vai trò trong việc tăng lợi nhuận cho các cảng Bờ Đông.

     

    Cục điều tra dân số Hoa Kỳ tổng hợp số liệu thống kê nhập khẩu dựa trên dữ liệu hải quan về số tấn hàng hóa đóng trong container. Bộ dữ liệu này cho thấy tổng lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ bắt đầu giảm tuần tự trong tháng 8.

     

    Trong 5 tháng cuối năm 2022, khối lượng nhập khẩu đã giảm 3,2% so với giai đoạn từ tháng 8 đến tháng 12 năm 2021. Tuy nhiên, mức giảm không trải đều. Nhập khẩu của Mỹ từ châu Âu tăng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái trong giai đoạn này. Nhập khẩu từ các nguồn ngoài châu Âu (chủ yếu là châu Á) giảm 4,6%.

     

    Khối lượng hàng nhập khẩu của Hoa Kỳ từ châu Âu trong năm 2022 cao hơn nhiều so với trước Covid, tăng 22% so với năm 2019. Năm mặt hàng tăng giá hàng đầu theo mã Biểu thuế quan hài hòa (HTS) chủ yếu tập trung vào vật liệu xây dựng và đồ trang trí nội thất.

     

    Khối lượng xi măng Portland đóng bao và xi măng khác tăng nhiều nhất, tăng hơn gấp đôi vào năm 2022 so với năm 2019. Mức tăng lớn tiếp theo là đối với thạch cao và vữa trát, tăng hơn gấp ba lần. Mặt hàng gốm ốp lát và gạch ốp lát tăng mạnh thứ ba, tiếp theo là pin dự trữ điện, sau đó là đồ nội thất.

     

    Nhập khẩu của Mỹ từ châu Âu vẫn mạnh trong tháng 1 này, nhưng đã giảm mạnh trong tháng 2, giảm 22% so với tháng trước và tiến gần đến mức trước Covid.

     

    picture-6.png

     

    (Biểu đồ: Freight Waves dựa trên dữ liệu từ Cục điều tra dân số Hoa Kỳ)

     

    Nhập khẩu vật liệu xây dựng giảm trong tháng 2

     

    Nhập khẩu của Mỹ từ châu Âu thường giảm trong tháng 2 so với tháng 1 nhưng mức giảm trong năm nay mạnh hơn bình thường. Việc giảm nhập khẩu trong tháng Hai này (có dữ liệu Điều tra dân số tháng gần nhất) chủ yếu do nhu cầu của Hoa Kỳ đối với vật liệu xây dựng châu Âu giảm.

     

    Nhìn vào 4 loại xi măng giảm nhiều nhất theo mã HTS trong tháng 2 so với tháng 1, xi măng Portland và xi măng khác giảm 149.480 tấn hay 62%; gỗ xẻ giảm 51.188 tấn, giảm 49%; thạch cao và bột thạch cao giảm 46.435 tấn, giảm 53%; còn đá ốp lát, đá marble, granit và travertine giảm 38.667 tấn, tương đương 45%.

     

    Dòng vật liệu xây dựng đã thúc đẩy thị trường xuyên Đại Tây Dương vào năm 2022 hiện đang bị thu hẹp lại. Như vậy không có gì ngạc nhiên khi giá cước vận tải tuyến châu Âu - Bờ Đông tiếp tục giảm.

     

    Văn Tâm (tổng hợp)

     

    Bài viết của:https://vlr.vn/chau-au-giam-nhap-khau-gia-van-chuyen-xuyen-dai-tay-duong-tiep-tuc-giam-manh-13221.html

  • Chi phí logistics quá cao, hàng Việt giảm sức cạnh tranh

     

    Chi phí logistics quá cao, hàng Việt giảm sức cạnh tranh

     

    17:14 15/05/2023

     

    Kinhtedothi- Trong cơ cấu giá thành hàng Việt, chi phí logistics gồm lưu trữ hàng hóa, bao bì, đóng gói, kho bãi, luân chuyển hàng hóa… chiếm tỷ lệ khá lớn. Điều này đã khiến các doanh nghiệp xuất khẩu mất lợi thế cạnh tranh so với các nước trong khu vực.

     

    Chi phí kéo giá thành đi lên

     

    Tập đoàn AEON, một trong những nhà bán lẻ lớn đầu tư vào Việt Nam, cũng là đơn vị tích cực đưa nông sản Việt vào hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki than phiền, xoài Việt Nam chất lượng tương đương xoài Thái Lan, Philippines khi đưa vào Nhật giá bán đắt hơn gần 20% nên lượng tiêu thụ không cao. Một trong những nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines.

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoài Nam

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoài Nam

     

    Theo các chuyên gia bán lẻ, trong quá trình xuất khẩu, hàng hóa Việt phải chịu quá nhiều chi phí logistics như vận tải nội địa, phí và phụ phí vận tải do các hãng tàu tự ý thu của chủ hàng.

     

    Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho biết, hiện chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước so với các nước trong khu vực Đông Nam Á dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp. “Chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành vật cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới” - ông Giang phân tích.

     

    Đồng tình với phản ánh này, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) Trần Đức Nghĩa cho biết, hiện chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 – 17% giá trị hàng hóa, thậm chí có những mặt hàng doanh nghiệp phải chi trả tới 20-25%. “Hiện một container gỗ trị giá 20.000 - 30.000 USD nhưng trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30% (4.000 -9.000 USD), điều này đã bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu”-ông Nghĩa nêu ví dụ.

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại  sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại  sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Hoài Nam

     

    Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,5%, Malaysia 13% và Thái Lan là 15,5%.

     

    Đề cập đến nguyên nhân khiến chi phí logistics khó giảm giá trong thời gian qua, Trưởng ban Hải quan và Tạo thuận lợi thương mại (VLA) Trần Việt Huy cho biết, chi phí logistics của Việt Nam tăng cao là do các tuyến hàng container đều nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Nếu doanh nghiệp trong nước lấy được một phần nhỏ thị phần này thì giá sẽ giảm.

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoài Nam

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoài Nam

     

    Giải thích về sự lép vế của doanh nghiệp logistics Việt Nam trước doanh nghiệp nước ngoài, Phó Cục trưởng Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) Trần Thanh Hải chia sẻ, hiện công tác quy hoạch giữa các ngành liên quan đến logistics chưa có sự kết nối chặt chẽ. Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn yếu kém, chưa kết nối được với các nước trong khu vực, đồng thời nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn không đáp ứng được yêu cầu.

     

    Thực tế cho thấy việc chi phí logistics chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giá trị hàng xuất khẩu khiến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu chấp nhận hòa vốn, thậm chí bị lỗ để xuất khẩu hàng hóa nhằm duy trì mối quan hệ làm ăn với khách hàng.

     

    Nâng chất lượng logistics 

     

    Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng về xây dựng hệ thống logistics.

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoài Nam

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoài Nam

     

    Liên quan đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ logistics khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, trung tâm dịch vụ logistics bởi đầu tư lĩnh vực này cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao. “Phải có cơ chế chính sách, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, đặc biệt xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế” - ông Hiệp đề xuất.

     

    Việt Nam cần có chính sách để thu hút FDI vào ngành logistics. Các cơ quan quản lý cần nới lỏng tỷ lệ vốn đầu tư vào logistics trên vốn đầu tư nước ngoài để không kìm hãm nguồn vốn FDI vào ngành logistics Việt Nam.

     

    Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Sam Mo

     

    Dưới góc độ doanh nghiệp Chủ tịch Công ty CP Giao nhận Vận tải Con Ong Đinh Hữu Thạnh hiến kế, Chính phủ sớm cho thử nghiệm hình thức kinh doanh đại lý của các doanh nghiệp logistics, qua đó tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

     

    “Để logistics phát triển và cạnh tranh với các nước, cần phải tạo sự liên kết giữa các yếu tố trong chuỗi cung ứng như hải quan, kho cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu,…qua đó giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Đồng thời, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử”-ông Thạch nêu rõ.

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoài Nam

     

    Giao vận hàng hóa Việt Nam xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hoài Nam

     

    Tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu - châu Mỹ do Bộ Công Thương vừa tổ chức,  Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Sam Mo cũng kiến nghị, Việt Nam nên hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử). 

     

    Cụ thể, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất để giúp doanh nghiệp tiếp nhận thông tin nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. “Chính phủ tiêu chuẩn hoá dịch vụ hạ tầng logistics bằng việc áp dụng giá cước chuẩn hoá, thống nhất hệ thống thu phí, giúp nâng cao lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp”-ông Mo hiến kế.

     

    Ngoài ra, để giảm chi phí không đáng có khi xuất khẩu hàng Việt ra thế giới đòi hỏi cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics. Doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan chức năng trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch phải chú ý sự kết nối hạ tầng giao thông với các trung tâm logistics để có quy hoạch toàn diện trong phát triển lĩnh vực này.

     

    Lê Nam

     

    Bài viết của:https://kinhtedothi.vn/chi-phi-logistics-qua-cao-hang-viet-giam-suc-canh-tranh.html

  • Chỉ số container thế giới Drewry WCI giảm 2% trong tuần 17

     

    Chỉ số container thế giới Drewry WCI giảm 2% trong tuần 17

     

     

    Chỉ số Container Thế giới tổng hợp của Drewry đã giảm 2% xuống còn 1.740,26 USD/container 40ft trong tuần 17.

     

     

    Nguồn: Drewry World Container Index

     

    Chỉ số Container Thế giới tổng hợp của Drewry đã giảm 2% trong tuần 17 và đã giảm 78% so với cùng tuần năm ngoái.

     

    Chỉ số tổng hợp Drewry WCI mới nhất là $1.740/container 40'ft hiện thấp hơn 83% so với mức đỉnh $10.377 đạt được vào tháng 9 năm 2021. Mức giá cước này thấp hơn 35% so với mức trung bình 10 năm là $2.688, cho thấy xu hướng đang quay trở lại mức giá bình thường, nhưng vẫn cao hơn 23% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch) là 1.420 USD.

     

    Chỉ số tổng hợp tổng hợp Drewry WCI trung bình từ đầu năm đến nay là $1.890/container 40ft, thấp hơn $797 so với mức trung bình trong 10 năm ($2.688 đã đề cập ở trên).

     

    Giá cước vận tải tuyến Rotterdam – Thượng Hải và New York – Rotterdam lần lượt giảm 4% xuống còn 596 USD và 926 USD/feu. 

     

    Giá cước trên tuyến Thượng Hải – Genoa giảm 3% tương đương giảm 75 USD xuống còn 2.193 USD/thùng 40ft. 

     

    Giá cước trên tuyến Shanghai – Los Angeles và Shanghai – New York giảm 2% xuống còn $1,820 và $2,780/container 40ft, tương ứng. 

     

    Giá trên tuyến Rotterdam – New York giảm 2% xuống còn 4.806 USD/feu. 

     

    Giá cước tuyến Thượng Hải – Rotterdam giảm nhẹ 1% xuống còn 1.592 USD/container 40ft. 

     

    Giá cước tuyến Los Angeles – Thượng Hải tăng nhẹ 1% lên 1.017 USD/feu. 

     

    Nguồn: Phaata.com (Theo Drewry)

     

    Bài viết của:https://phaata.com/thi-truong-logistics/chi-so-container-the-gioi-drewry-wci-giam-2-trong-tuan-17-1890.html

  • Chuỗi cung ứng Mỹ tiếp tục khủng hoảng năm 2023

     

    Chuỗi cung ứng Mỹ tiếp tục khủng hoảng năm 2023

     

    Thứ ba, 23/5/2023, 22:00 (GMT+7)

    MỹDù có dấu hiệu phục hồi song chuỗi cung ứng Mỹ vẫn tồn tại nhiều vấn đề như chi phí vận chuyển tăng, thắt chặt chi tiêu, thiếu nguyên liệu...

     

    Chuỗi cung ứng Mỹ đến nay vẫn đang trong quá trình hồi phục hậu khủng hoảng do đại dịch. Đứt gãy chuỗi cung ứng trước đó là khiến chi phí vận chuyển tăng vọt. Người tiêu dùng cũng có xu hướng thắt chặt hầu bao, chi tiêu kỹ hơn.

     

    Giá cước vận tải đường bộ, biển và các phương tiện khác lại có dấu hiệu giảm sau khi người dùng xứ sở cờ hoa chuyển chi tiêu từ các mặt hàng có giá trị lớn như đồ nội thất, lò nướng BBQ, TV màn hình rộng... sang du lịch và các hoạt động giải trí khác.

     

    Nguồn cung những mặt hàng thiết yếu như giấy vệ sinh, thực phẩm... sau hơn ba năm vẫn đang trong tình trạng thiếu nguyên liệu. Ở một số khu vực, linh kiện máy móc vẫn tiếp tục khan hiếm.

     

    Xi măng bỗng thành "hàng hiếm" khi các nhà sản xuất ôtô đẩy mạnh hoạt động. Chuỗi dự án cơ sở hạ tầng được đốc thúc hoàn thiện cũng ảnh hưởng ít nhiều đến nguồn cung vật liệu xây dựng.

     

    Hai xe tải chở hàng di chuyển trên đường cao tốc Fisher, Detroit, Michigan (Mỹ), ngày 27/3/2009. Ảnh: Rebecca Cook

     

    Hai xe tải chở hàng di chuyển trên đường cao tốc Fisher, Detroit, Michigan (Mỹ), ngày 27/3/2009. Ảnh: Rebecca Cook

     

    Dean Croke, nhà phân tích tại đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu vận tải DAT Freight and Analytics, cho biết các chuỗi cung ứng tại Mỹ vẫn đang trải qua giai đoạn bất ổn. Sắp tới, để có lời giải cho các vấn đề trên, loạt chuyên gia từ Walmart, Colgate-Palmolive, Toyota và một số công ty khác, sẽ có buổi thảo luận chiến lược tại hội nghị do Reuters tổ chức ở Chicago (Mỹ), ngày 24, 25/5.

     

    Các lãnh đạo doanh nghiệp trước thềm hội nghị cũng đưa ra nhiều nhận định. Cụ thể, Joe Hinrichs - Giám đốc điều hành công ty đường sắt CSX Corp cho biết một số ngành công nghiệp của Mỹ đang đi xuống, trong khi những ngành khác vẫn phát triển mạnh mẽ.

     

    "Chuỗi cung ứng đường bộ lẫn đường sắt là một lĩnh vực khá mong manh và đang có dấu hiệu yếu đi. Trong khi lĩnh vực bán lẻ ôtô, than đá và vật liệu xây dựng lại tăng trưởng mạnh", Joe Hinrichs cho biết.

     

    Alan Amling, thành viên Viện chuỗi cung ứng toàn cầu của Đại học Tennessee, tiết lộ sau khi rót vốn vào các giải pháp nối liền chuỗi cung ứng hàng thiết yếu để đáp ứng nhu cầu trong đại dịch, các lãnh đạo doanh nghiệp ngành này lại thay đổi chiến lược. Để bảo toàn lợi nhuận, họ chuyển sang thắt chặt các khoản chi, cắt giảm tối đa những khoản không cần thiết.

     

    Đơn cử như Target, công ty đặt mục tiêu cắt giảm chi phí vận chuyển từ cửa hàng bằng cách thiết lập các trung tâm hợp nhất địa phương. Sau khi có đơn thành công, xe tải vận chuyển sẽ lấy hàng tồn kho từ các cửa hàng địa phương, đóng gói tại chỗ và giao cho người mua. Cách này giúp giảm chi phí nhân lực, rút ngắn quãng đường vận chuyển và nguyên vật liệu đóng gói.

     

    Dù thắt chặt hầu bao, song các doanh nghiệp này vẫn sẵn sàng rót vốn đầu tư vào nền tảng công nghệ. Vận hành tự động, theo dõi quy trình, giám sát hoạt động bằng robot hay trí tuệ nhân tạo (AI) vẫn đang được họ tận dụng để cải thiện hiệu quả.

     

    Cẩn Y(Theo Reuters)

     

    Bài viết của:https://vnexpress.net/chuoi-cung-ung-my-tiep-tuc-khung-hoang-nam-2023-4608236.html

  • COSCO đóng mới con tàu container điện 700 TEU thứ hai

     

    COSCO đóng mới con tàu container điện 700 TEU thứ hai

     

     

    COSCO SHIPPING Heavy Industry (Yangzhou) đã bắt đầu đóng tàu container chạy điện 700 TEU thứ hai, có tải trọng 10.000 DWT với chiều dài 119,8m, mạn đúc 23,6m, mớn nước thiết kế 5,5m, hai động cơ đẩy chính 900kW.

     

    COSCO-Shipping-electronic-container-vessel

     

    COSCO SHIPPING Heavy Industry (Yangzhou) đã bắt đầu đóng tàu container chạy điện 700 TEU thứ hai (N998) thuộc sở hữu của Công ty COSCO SHIPPING Development vào ngày 8 tháng 5.

     

    Tàu container chở hàng chạy bằng điện 700 TEU là một sáng kiến quan trọng của COSCO SHIPPING Development nhằm thúc đẩy nỗ lực trung hòa carbon hướng đến vận chuyển xanh không carbon.

     

    Con tàu được đóng có tải trọng 10.000 DWT với chiều dài 119,8m, mạn đúc 23,6m, mớn nước thiết kế 5,5m, hai động cơ đẩy chính 900kW, sẽ được khai thác chuyên tuyến sông/ven biển.

     

    Con tàu dự kiến có thể cắt giảm khoảng 32 tấn khí thải carbon mỗi 24 giờ so với các tàu chạy xăng truyền thống có cùng kích thước.

     

    Con tàu cũng có hệ thống nền tảng tàu thông minh và hệ thống nhận thức tình huống tiên tiến, dự kiến sẽ tăng cường trí thông minh và độ an toàn của tàu.

     

     

    Nguồn: Phaata.com (Theo ContainerNews)

     

    Bài viết của:https://phaata.com/thi-truong-logistics/cosco-dong-moi-con-tau-container-dien-700-teu-thu-hai-16451.html

  • Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì hội nghị về vận tải hàng hải ASEAN

     

    Cục Hàng hải Việt Nam chủ trì hội nghị về vận tải hàng hải ASEAN

     

    08/05/2023 16:57

     

    Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 44 (MTWG 44), nhiệm kỳ 2022 - 2023.

     

    Khẳng định vị thế Việt Nam trong hợp tác giao thông vận tải

     

    Từ ngày 9 - 11/5, Hội nghị Nhóm công tác vận tải Hàng hải ASEAN lần thứ 44 (MTWG 44) sẽ diễn ra tại Đà Nẵng.

     

    Hội nghị do Cục Hàng hải VN phối hợp với Ban Thư ký ASEAN tổ chức, với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên ASEAN, Ban Thư ký ASEAN, Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) cùng các đối tác đối thoại gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Độ và các hiệp hội khu vực của ASEAN.

     

    cục hàng hải việt nam chủ trì hội nghị về vận tải hàng hải asean

     

    Hội nghị Nhóm công tác vận tải hàng hải ASEAN lần thứ 43 từng được tổ chức tháng 9/2022 tại Nha Trang

     

    Cục Hàng hải VN là đơn vị được Bộ GTVT giao làm trưởng Nhóm MTWG Việt Nam. Trên cương vị Chủ tịch hội nghị theo cơ chế luân phiên của ASEAN, hội nghị sẽ do Phó Cục trưởng Cục Hàng hải VN Hoàng Hồng Giang chủ trì.

     

    Theo cơ chế luân phiên, Việt Nam đăng cai tổ chức tổ chức Hội nghị MTWG ASEAN, nhiệm kỳ 2022 - 2023. Lãnh đạo Cục Hàng hải VN nhận định, đây vừa là thực hiện nghĩa vụ của quốc gia thành viên ASEAN, cũng là cơ hội để nước chủ nhà Việt Nam khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế trong hợp tác giao thông vận tải với bạn bè quốc tế.

     

    Vào năm 2022, Cục Hàng hải VN đã chủ trì tổ chức, thực hiện xong 2 phiên hội nghị (MTWG 42 được tổ chức trực tuyến từ ngày 9-10/3/2022 tại Hà Nội và MTWG 43 tổ chức trực tiếp từ ngày 20-22/9/2022 tại Nha Trang).

     

    Hội nghị đã nhận được sự đánh giá cao của các đồng nghiệp quốc tế về công tác tổ chức, công tác chuẩn bị nội dung và kỹ năng điều hành hội nghị.

     

    Bàn luận nhiều vấn đề hàng hải quan trọng

     

    cục hàng hải việt nam chủ trì hội nghị về vận tải hàng hải asean

     

    Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Đình Việt phát biểu tại MTWG lần thứ 43

     

    Hội nghị MTWG 44 sẽ tiếp tục tập trung vào nhiều chương trình quan trọng của lĩnh vực hàng hải khu vực. Bao gồm: Thực hiện các biện pháp liên quan đến giao thông hàng hải theo kế hoạch Chiến lược Kuala Lumpur 2021-2026; hiện thực hóa thị trường vận tải biển thống nhất ASEAN (ASSM) thông qua việc thực hiện các chiến lược và biện pháp đã được thống nhất (MT-1); hiện thực hoá vận hàng mạng lưới vận chuyển RO-RO tại ASEAN (MT-2); phát triển mạng lưới vận tải thuỷ nội địa (IWWT) hiệu quả và tích hợp (MT-3).

     

    Bên cạnh đó, hội nghị cũng bàn về việc tăng cường hệ thống định vị và các biện pháp an ninh theo tiêu chuẩn quốc tế (MT-4); xây dựng các sáng kiến và khuyến nghị chính sách cần thiết để phát triển logistics vận tải biển chiến lược giữa ASEAN và các đối tác đối thoại.

     

    Đồng thời, bàn luận việc tăng cường hợp tác trong khu vực trong việc cải thiện an toàn giao thông, tăng cường hợp tác khu vực trong việc phát triển các chính sách và chiến lược liên quan đến giao thông vận tải bền vững (ST-1), cùng việc xác định và thực hiện các biện pháp chính về giao thông bền vững (ST-2).

     

    Vấn đề tăng cường hợp tác khu vực trong ứng dụng công nghệ thông minh trong lĩnh vực giao thông vận tải (ST-4) cũng sẽ được các quốc gia quan tâm, bàn luận trong hội nghị lần này.

     

    Cùng đó, các chuyên gia sẽ bàn thảo về những sáng kiến giao thông hàng hải nhằm ứng phó với đại dịch, khủng hoảng Covid-19, việc hợp tác khu vực ASEAN về quản lý chất thải tàu biển và tiến độ thực hiện các công việc của Nhóm công tác giai đoạn 2022-2023.

     

    Ngoài ra, hội nghị cũng bàn về việc hợp tác ASEAN với các đối tác khu vực tư nhân (hiệp hội cảng biển, chủ tàu) cùng đối tác đối thoại khu vực, cũng như việc vận tải hàng hải mới và các vấn đề khẩn cấp.

     

    Với tư cách là Chủ tịch hội nghị, ông Hoàng Hồng Giang bày tỏ sự tin tưởng hội nghị sẽ đạt được những bước đột phá mới trong việc giải quyết các vấn đề đã được bàn luận tại Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải ASEAN lần thứ 28 và Hội nghị quan chức giao thông vận tải cấp cao ASEAN lần thứ 44, cùng những vấn đề được đưa vào chương trình nghị sự.

     

    P.V

     

    Bài viết của:https://www.baogiaothong.vn/cuc-hang-hai-viet-nam-chu-tri-hoi-nghi-ve-van-tai-hang-hai-asean-d590258.html

  • Cước giảm hơn 60%, dừng tuyến container từ cảng Cửa Lò đi Ấn Độ

     

    Cước giảm hơn 60%, dừng tuyến container từ cảng Cửa Lò đi Ấn Độ

     

    06/05/2023 10:46

     

    Sản lượng hàng hóa và cước vận tải đều giảm, hãng tàu gặp khó khiến tuyến vận tải duy nhất kết nối Bắc miền Trung đi Ấn Độ phải dừng lại.

     

    Cước vận tải biển giảm mạnh

     

    Thông tin với Báo Giao thông, đại diện Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông, doanh nghiệp mở tuyến vận tải tàu container trực tiếp từ cảng Cửa Lò tới Kolkatar (Ấn Độ) - Chitagong (Bangladesh) cho biết, sau gần 1 năm mở tuyến, tuyến vừa chính thức dừng lại.

     

    “Sản lượng hàng hóa thời gian qua giảm mạnh ở cả hai đầu Việt Nam và Ấn Độ. Trong khi giá cước vận tải thấp, khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề nên phải tìm phương án khai thác khác”, vị đại diện này chia sẻ.

     

    cước giảm hơn 60%, dừng tuyến container từ cảng cửa lò đi Ấn Độ

     

    Tuyến tàu container đầu tiên kết nối khu vực miền Trung đi Ấn Độ phải dừng vì chủ tàu "gặp khó" do giá cước và sản lượng hàng hóa đều thấp

     

    Cũng theo đại diện của hãng vận tải Biển Đông, hãng tàu và doanh nghiệp cảng đã trao đổi thường xuyên, nhưng vẫn không thể duy trì được tuyến vận tải. Theo đó, so với thời điểm mở tuyến cách đây khoảng 1 năm, giá cước vận tải từ Việt Nam đi Ấn Độ hiện nay đã giảm 60 – 70%.

     

    Trước đó, tuyến tàu là tuyến đường biển kết nối khu vực Bắc miền Trung Việt Nam và Kolkatar (Ấn Độ) và được kỳ vọng sẽ tạo tiền đề cho việc mở thêm những tuyến tàu đi quốc tế trực tiếp từ cảng biển miền Trung.

     

    Việc mở tuyến cũng giúp các doanh nghiệp XNK tại khu vực có thêm tuyến dịch vụ gần để vận chuyển, tiết kiệm chi phí logistics thay vì phải chở hàng ra Hải Phòng để xuất đi, rút ngắn thời gian và chủ động hơn so với việc phải chuyển hàng qua cảng trung chuyển.

     

    Tuy nhiên sau khi mở tuyến, hãng tàu duy trì khoảng 1 chuyến/tháng. Theo lãnh đạo Cảng Nghệ Tĩnh, các địa phương như Thanh Hoa, Nghệ An, Hà Tĩnh... còn nhiều khó khăn, thị trường kém hơn các tỉnh phía Bắc - Nam. Do đó, tàu đi tuyến quốc tế chưa có đủ lượng hàng để vận chuyển thường xuyên.

     

    Doanh nghiệp chờ chính sách hỗ trợ

     

    cước giảm hơn 60%, dừng tuyến container từ cảng cửa lò đi Ấn Độ

     

    Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò chưa được thông qua. Ảnh. BNA

     

    Thời gian qua, được biết sản lượng hàng hóa qua cảng Cửa Lò liên tục giảm. Hàng container ra vào cảng được đánh giá còn ít, thiếu ổn định, chiếm tỷ lệ từ 30 - 40% tổng hàng hóa qua cảng và có chiều hướng giảm (từ 1,63 triệu tấn năm 2020 xuống còn 1,30 triệu tấn năm 2022) và mất cân đối giữa hàng đi và hàng đến, dẫn đến khả năng khai thác hàng hóa 2 chiều của các hãng tàu để giảm chi phí, duy trì hoạt động thường xuyên gặp nhiều khó khăn.

     

    Do đó, các doanh nghiệp mong muốn được địa phương hỗ trợ phần nào chi phí như một số địa phương như Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa, Hà Tĩnh để góp phần giảm bớt gánh nặng cho chủ tàu, tạo đòn bẩy thu hút các hãng tàu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu qua cảng Cửa Lò.

     

    Đáng chú ý, việc dừng tuyến tàu trong bối cảnh Ban quản lý khu kinh tế Đông Nam thời gian qua đang lấy ý kiến cho Dự thảo Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển bằng container và hỗ trợ doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò (tỉnh nghệ An).

     

    Dự thảo đề xuất áp dụng chính sách cho các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và các doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò, trừ hàng hóa tạm nhập tái xuất, hàng hóa quá cảng.

     

    Trong đó, hãng tàu biển được cấp phép hoạt động kinh doanh vận chuyển container theo quy định và thực hiện trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng Cửa Lò theo tuyến với tần suất tối thiểu 2 chuyến/mỗi tháng với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến cập cảng.

     

    Doanh nghiệp có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Cửa Lò có tần suất tối thiểu 2 lần mỗi tháng với mức đối với container 20 feet là 600 nghìn đồng/container, container 40 feet trở lên là 1 triệu đồng/container.

     

    Các hãng tàu và các doanh nghiệp đủ điều kiện thụ hưởng chính sách được quyền lựa chọn phương thức nhận kinh phí hỗ trợ theo tháng hoặc một lần (12 tháng).

     

    Hồ An

     

    Bài viết của:https://www.baogiaothong.vn/cuoc-giam-hon-60-dung-tuyen-container-tu-cang-cua-lo-di-an-do-d590044.html

  • Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ Việt Nam, trước thách thức cạnh tranh toàn cầu

     

    Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ Việt Nam, trước thách thức cạnh tranh toàn cầu

     

    18/05/2023 12:17

     

    Hiện nay thị trường logistics Việt Nam đã dỡ bỏ nhiều rào cản gia nhập, tạo điều kiện cho các tập đoàn logistics lớn của nước ngoài như DHL, DB Schenker, Maersk, Kuehne Nagel... gia nhập thị trường logistics của Việt Nam. Ở trong nước cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, mức độ cạnh tranh trong nội bộ ngành logistics ngày càng khốc liệt. Trong những điều kiện như vậy, các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ cần có chiến lược cạnh tranh phù hợp để tồn tại và phát triển.

     

    "Tiến thoái lưỡng nan"

     

    Bàn về năng lực cạnh tranh thì ngay các doanh nghiệp logistics lớn của Việt Nam cũng gặp không ít thách thức khi mà các rào cản thương mại được gỡ bỏ, mức độ cạnh tranh mang tính toàn cầu. Đặc biệt các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ thì càng khó để cạnh tranh.

     

    car-bodies-are-assembly-line-factory-production-cars-modern-automotive-industry-electric-car-factory-conveyor-compressed.jpeg

     

    Bên cạnh đó khả năng tài chính có hạn cũng là yếu tố kìm hãm năng lực canh tranh của doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ. Nó cản trở doanh nghiệp đầu tư vào khoa học công nghệ và nghiên cứu phát triển (R&D). Công nghệ do mua sắm hoặc do doanh nghiệp tự nghiên cứu và phát triển giúp tạo ra sản phẩm mới, ưu việt hơn như công nghệ phân loại hàng hóa, quản lý kho... tạo ra sự hài lòng cho khách hàng, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không có đủ nguồn lực để đầu tư trong lĩnh vực này.

     

    Khả năng tài chính hạn chế nên các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không có điều kiện quảng bá thương hiệu, quảng bá sản phẩm dịch vụ qua các kênh truyền thông nhằm tiếp cận khách hàng, đặc biệt là các thị trường nước ngoài. 

     

    Khác với các các doanh nghiệp logistics lớn đã tạo ra rào cản về công nghệ, tài chính, việc gia nhập thị trường đối với các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không có rào cản về năng lực tài chính, kinh nghiệm hoặc bí quyết công nghệ nên số lượng đối thủ cạnh tranh trong nhóm này vô cùng lớn, mức độ cạnh tranh rất khốc liệt. Rất nhiều doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ được thành lập với số vốn vài trăm triệu, nhân lực 3-5 người đã tạo ra một thị trường cạnh tranh rất sôi động. Tuy nhiên chính sự gia nhập thị trường dễ dàng như vậy cộng với năng lực quản trị điều hành yếu kém nên nhiều doanh nghiệp đã không còn tồn tại sau một thời gian ngắn vì áp lực cạnh tranh rất lớn.

     

    Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt của mình đối với sản phẩm đặc thù như hàng dự án (project cargo), hàng triển lãm (exhibition), hàng nguy hiểm (DG)... để giảm bớt số lượng đối thủ cạnh tranh, tạo ra lợi thế cạnh tranh riêng cho doanh nghiệp mình.

     

    Một điều dễ nhận thấy ở các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ đó là do quy mô nhỏ, khả năng tài chính có hạn nên phần lớn các doanh nghiệp này tự biến thành thầu phụ của những thầu phụ chứ không thể có quan hệ trực tiếp với các chủ hàng, hãng tàu, đơn vị vận tải, đơn vị quản lý kho bãi... dẫn đến giá thành cao, khó cạnh tranh.

     

    Điểm yếu đầu tiên của các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ là khả năng ứng dụng khoa học công nghệ tương đối thấp trong khi đó công nghệ, đặc biệt là số hóa là chìa khóa để các doanh nghiệp tăng cường vị thế cạnh tranh của mình. Với sự phát triển như vũ bão của thương mại điện từ (E-commerce) và logistics điện tử (E-logistics) thì công nghệ là lợi thế cạnh tranh hàng đầu của dịch vụ logistics.

     

    Vẫn có thể "liệu cơm gắp mắm"

     

    Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các tập đoàn logistics lớn tuy nhiên nhìn chung họ vẫn có nhiều lợi thế dựa vào quy mô nhỏ của mình.

     

    businesswoman-give-presentation-dashboard-data-screen-harmony-office-compressed.jpeg

     

    Trước hết, do quy mô nhỏ, quy trình kinh doanh giản đơn nên việc điều hành và ra quyết định rất nhanh, đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của khách hàng. Như có thể quyết định ngay về giá cả, chấp nhận biên độ lợi nhuận thấp để cạnh tranh do chi phí quản lý thấp. Trong khi các doanh nghiệp logistics lớn, các quy trình vận tải, chào giá, chăm sóc khách hàng đều bài bản, chuyên nghiệp nên cần có thời gian để xử lý theo quy trình và phân cấp trong khi đó với quy mô nhân sự ít lãnh đạo các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ có thể quyết định mọi vấn đề một cách nhanh chóng, đáp ứng gần như tức thì nhu cầu khách hàng.

     

    Doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ có thể chọn những thị trường ngách, những phân khúc thị trường đặc thù mà các doanh nghiệp lớn không làm được hoặc làm không có hiệu quả. Những đơn hàng nhỏ lẻ, doanh thu lợi nhuận thấp thường ít được các doanh nghiệp lớn quan tâm nên đây chính là mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ tham gia và cạnh tranh.

     

    Đối với việc cạnh tranh các đối thủ có cùng quy mô, doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ chỉ có thể tồn tại được bằng chất lượng dịch vụ: an toàn, giao hàng đúng hạn, tạo ra sự hài lòng cho khách hàng, giá cả cạnh tranh nhờ quản trị chi phí tốt.

     

    Các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ cần dựa vào thế mạnh liên doanh liên kết với nhau để tạo ra sức mạnh cạnh tranh. Với lợi thế là có hàng ngàn doanh nghiệp, phân bổ trên nhiều vùng địa lý và kinh doanh nhiều mảng khác nhau nên các doanh nghiệp có thể hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi logistics như giao hàng, vận tải, làm thủ tục hải quan, lưu kho lưu bãi. Đây là lợi thế cạnh tranh mà không bất cứ doanh nghiệp logistics lớn nào có thể có được vì để xây dựng một hệ thống như vậy cần phải đầu tư rất lớn.

     

    Về mặt Chính phủ, ngoài các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về ưu đãi vay vốn, thuê đất, thuế... Chính phủ cần tạo ra sân chơi công bằng trong cạnh tranh cho các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ, đặc biệt là chính sách đấu thầu. Thời gian qua, rất nhiều chủ đầu tư vì lý do tiêu cực hoặc lợi ích nhóm đã đặt ra những rào cản về tài chính: vốn, doanh thu, lợi nhuận hằng năm hoặc các rào cản về năng lực, kinh nghiệm... để các doanh nghiệp logistics vừa và nhỏ không đủ điều kiện tham gia đấu thầu, tạo ra thế độc quyền cho các doanh nghiệp logistics lớn.

     

    TS. Võ Duy Nghi

     

    Bài viết của:https://vlr.vn/doanh-nghiep-logistics-vua-va-nho-viet-nam-truoc-thach-thuc-canh-tranh-toan-cau-13320.html

  • DP World đạt sản lượng 19,5 triệu TEU trong Quý 1 năm 2023

     

    DP World đạt sản lượng 19,5 triệu TEU trong Quý 1 năm 2023

     

     

    DP World đạt sản lượng 19,5 triệu TEU trong Q1-2023, nhờ nhu cầu gia tăng của Ấn Độ, Châu Á-Thái Bình Dương đã bù đắp cho sự sụt giảm ở các thị trường châu Âu và Mỹ.

     

    Cảng của DP World

     

    Trong khi các hoạt động vận chuyển toàn cầu đang quay trở lại mức ổn định, DP World đang tận dụng tối đa phạm vi tiếp cận mạng lưới của mình và đầu tư vào năng lực để đạt được mức tăng trưởng cao hơn.

     

    DP World - Công ty quản lý và khai thác cảng có trụ sở ở Dubai -  đã xử lý 19,5 triệu TEU (đơn vị tương đương container 20 foot) trên mạng lưới toàn cầu của họ trong ba tháng đầu năm 2023, nhờ hoạt động tốt hơn từ các hoạt động tại Ấn Độ và Châu Á-Thái Bình Dương. Điều này cũng giúp bù đắp phần lợi nhuận giảm sút từ Châu Âu và Châu Mỹ.

     

    Cảng Jebel Ali ở Dubai đã xử lý 3,5 triệu TEU trong giai đoạn này, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

     

    "Danh mục đầu tư của chúng tôi đã có một khởi đầu đáng khích lệ trong năm với mức tăng trưởng sản lượng container là 3,7% - một lần nữa dẫn đầu thị trường, thị trường ước tính sẽ bị giảm 6,3%", ông Sultan Ahmed Bin Sulayem, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn cho biết. "Kết quả vượt trội này tiếp tục chứng minh rằng chúng tôi đang chọn đúng địa điểm và chiến lược cung cấp các giải pháp chuỗi cung ứng tích hợp cho các chủ hàng đang thúc đẩy giá trị cho các bên liên quan của chúng tôi."

     

    Sụt giảm tại các thị trường lớn

     

    Khối lượng vận chuyển ra khỏi châu Âu vẫn còn thấp, điều này đã kéo theo tổng khối lượng xử lý của công ty Dubai giảm. Các dự báo ngắn hạn cho nền kinh tế khu vực đồng euro đã được điều chỉnh, điều này có thể cho thấy sự sụt giảm nhiều hơn về nhu cầu nhập khẩu trong thời gian còn lại của năm.

     

    Đối với các con số trong quý 1 năm 2023, 'Đúng như dự đoán, tăng trưởng số lượng đã giảm ở một số khu vực, chẳng hạn như Châu Âu và Châu Mỹ, do điều kiện kinh tế không chắc chắn', Bin Sulayem cho biết. "Hoạt động mạnh mẽ ở châu Á-Thái Bình Dương và Ấn Độ đã thúc đẩy tăng trưởng của chúng tôi." Các nguồn tin trong ngành vận tải biển đồng tình, chỉ ra sự trở lại nhanh chóng của tăng trưởng tốt hơn cho nền kinh tế Trung Quốc sau khi mở cửa hoàn toàn.

     

    Giá cước vận chuyển cũng đã giảm so với thời kỳ cao điểm của Covid, điều này cũng sẽ có lợi cho sản lượng của DP World. Điểm đáng chú ý nhất từ các con số Q1-2023 là ngay cả với những con số thấp ở châu Âu, công ty vẫn có thể vượt qua các mô hình chung của ngành.

     

    Bin Sulayem cho biết: “Chúng tôi hy vọng danh mục đầu tư của mình sẽ mang lại hiệu suất ổn định vì chúng tôi vẫn tập trung vào việc thúc đẩy sức mạnh tổng hợp doanh thu từ các thương vụ mua lại gần đây của chúng tôi đồng thời quản lý chi phí và đầu tư tăng trưởng”.

     

    "Triển vọng ngắn hạn vẫn chưa chắc chắn do bối cảnh địa chính trị, lạm phát cao và biến động tiền tệ." - Theo Sultan Ahmed Bin Sulayem của DP World

     

     

    Nguồn: Phaata.com (Theo DP World, GulfNews)

     

    Bài viết của:https://phaata.com/thi-truong-logistics/dp-world-dat-san-luong-195-trieu-teu-trong-quy-1-nam-2023-1887.html

  • Dư địa phát triển logistics và chiếc ‘chìa khóa’ trong tay doanh nghiệp ngoại

     

    Dư địa phát triển logistics và chiếc ‘chìa khóa’ trong tay doanh nghiệp ngoại

     

    Thứ Tư, 17/05/2023

     

    (KTSG Online) – Mặc dù cảng biển và dịch vụ hàng hải đang là những mảng kinh doanh đầy triển vọng đối với các doanh nghiệp hậu cần (logistics) nội địa, song nguồn thu chính của họ từ khối vận tải biển đã sụt giảm trong thời gian gần đây.  Bên cạnh nỗi khó khăn đến từ tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp logistics trong nước ngày càng chịu sức ép đến từ sự cạnh tranh quyết liệt của doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi cung ứng.

     

     

    Các doanh nghiệp nội địa cần tìm cách thích ứng với những xu hướng công nghệ mới – vốn đang làm thay đổi cách thức kinh doanh logistics trên toàn cầu. Ảnh minh họa: Trung Chánh

     

    Trong nhiều năm qua, một trong những vấn đề nổi cộm của chuỗi cung ứng tại Việt Nam đó là thị trường logistics đầy tiềm năng nhưng sự phát triển của doanh nghiệp trong nước lại phân tán do những hạn chế về vốn, công nghệ, chính sách và hạ tầng. Điều này dẫn đến Việt Nam có chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, và nhà cung ứng nội địa thua thiệt trong cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà.

     

    Tại một cuộc tọa đàm trong khuôn khổ triển lãm chuyên ngành logistics vào tuần qua, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết logistics là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỉ đô la Mỹ/năm. Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics hàng đầu toàn cầu.

     

    Thế nhưng, ngành logistics vẫn còn nhiều điểm yếu, trước hết là chịu sự chi phối quá lớn của các doanh  nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp lnội địa chưa liên kết được với nhau và chưa liên kết được với các nhà sản xuất, kinh doanh. Quy mô và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp nội còn yếu nên thường xuyên bị “ép giá” hoặc có lợi nhuận thấp trong dịch vụ logistics.

     

    Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online bên lề cuộc tọa đàm ngày 11-5, ông Cáp Trọng Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn container Việt Nam (Viconship) – doanh nghiệp sở hữu và khai thác hệ thống cảng tại Hải Phòng và Đà Nẵng, cho biết các công ty logistics Việt Nam đang làm thuê trên sân nhà. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam không có hệ thống kho bãi, cảng cạn… nhưng họ sở hữu những điểm mạnh về nhân lực và công nghệ. Sự tối ưu hóa về nhân lực, quy trình và hệ thống công nghệ đã giúp doanh nghiệp ngoại vượt lên trong cuộc đua với doanh nghiệp nội. Chưa kể, các nhà cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam lại cạnh tranh nhau về giá chứ không phải bằng chất lượng dịch vụ nên đẩy nhau vào tình thế đã khó lại càng thêm khó.

     

    Ông kêu gọi các doanh nghiệp nội địa, với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, đừng tham gia các cuộc đua hạ giá cước logicstics xuống đáy, dù trên thực tế nhu cầu toàn cầu đã sụt giảm khoảng 30% so với hồi tháng 9-2022. Theo ông, cạnh tranh để giảm chi phí là điều đương nhiên nhưng giảm giá đến ngưỡng nhất định thì không thể hạ giá được nữa. Vì hạ giá để phá sản, không có sự tích lũy, không tái đầu tư, không hiện đại hóa trang thiết bị mới thì lại tiếp tục rơi vào tình cảnh làm thuê giá rẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm cách thích ứng với những xu hướng công nghệ mới – vốn đang làm thay đổi cách thức kinh doanh logistics trên toàn cầu.

     

    Theo số liệu mới nhất của bản tin về hàng hải và logistics Việt Nam, lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam sụt giảm trong 1-2023 và dự báo hoạt động của ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, trong quí 1-2023, sản lượng hàng hóa qua cảng biển đạt khoảng 165.276 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng hóa container đạt 5177 TEU, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm mạnh về lượng hàng hóa qua cảng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng âm trong quí 1-2023.

     

    Lan Nhi

     

    Bài viết của:https://thesaigontimes.vn/du-dia-phat-trien-logistics-va-chiec-chia-khoa-trong-tay-doanh-nghiep-ngoai/

  • Đẩy mạnh, phát triển vận tải biển: Không dễ dàng!

     

    Đẩy mạnh, phát triển vận tải biển: Không dễ dàng!

     

    Thứ Hai, 06:00, 22/05/2023

     

    VOV.VN - 90% hàng xuất khẩu ra quốc tế của Việt Nam đang phụ hệ thống vận tải tàu quốc tế, từ đó dẫn tới việc phụ thuộc chi phí logistics. Trong giai đoạn mà chúng ta đang hội nhập một cách sâu rộng, việc xây dựng đội tàu biển quốc gia là vấn đề được đặt ra. Tuy nhiên, đây là vấn đề không dễ dàng.

     

    Hàng Việt “ngấm đòn” cước tàu biển

     

    Ông Nguyễn Văn Hiển, Chủ tịch HĐQT Công ty Chanh Việt (Chavi), có trụ sở đóng ở TP.HCM cho biết, doanh nghiệp đang xuất khẩu chanh tươi cho Hà Lan, một số quốc gia khác ở châu Âu và đang mở rộng trường sang Mỹ.

     

    Trước đây, mỗi container loại 40 feet xuất sang châu Âu chỉ khoảng 4.000 - 6.000 USD nhưng nay đã tăng hơn gấp đôi. Đó là chưa tính nhiều loại chi phí khác đi kèm với lô hàng. Cước phí logistics tăng cao, doanh nghiệp phải bấm bụng giảm lợi nhuận.

     

    “Bây giờ giá cước cao thì ráng chịu đựng thôi, khách hàng họ cũng gánh phần này, hầu như phía mình gánh hết. Trước đây mỗi container lời 7.000 - 10.000 USD thì giờ lãi giảm. Muốn duy trì việc làm thì phải chịu còn cách nào khác đâu” - ông Hiển chia sẻ.

     

    Day manh, phat trien van tai bien khong de dang hinh anh 1

     

    Việc xây dựng đội tàu là mang tính chiến lược lâu dài, trong phát triển ngành logistics. (Ảnh: Nguyễn Quang)

     

    Theo ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Hàng hải-Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, dự báo hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đến năm 2030 khoảng 1.140 - 1.423 triệu tấn. Điều này cho thấy thị trường vận tải biển của nước ta rất lớn.

     

    Hiện nay 90% hàng hóa xuất container của nước ta ra quốc tế bằng hệ thống tàu nước ngoài. Vì vậy, lợi nhuận, chi phí đều do các hãng vận tải biển quốc tế chi phối. Do đó, việc phát triển đội tàu quốc gia là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, các tập đoàn, tổng công ty như Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam không thể thực hiện vì vướng các quy định pháp luật.

     

    Ông Lê Quang Trung cho biết thêm: “Nghị định 17, Nghị định 68 liên quan đến vấn đề về đấu thầu và đầu tư tàu… Dù muốn vào việc ngay nhưng không thể làm được. Cần có tháo gỡ thì chúng tôi mới có thể đầu tư tàu để mà hỗ trợ cho các tuyến”.

     

    TS. Hồ Minh Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thị trường – Truyền thông Quốc tế (IMRIC) cho rằng, việc đầu tư phát triển đội tàu quốc gia để vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu nhằm đảm bảo sự chủ động, tính kinh tế và an toàn cho lĩnh vực này.

     

    Việt Nam có đội tàu đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 28 trên thế giới. Hiện nay, đã có doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tàu chuyên dụng trọng tải lớn như tàu dầu thô trọng tải đến 320.000 DWT, nhiều tàu chở hàng rời chuyên dụng trên 100.000 DWT. Đây chính là cơ sở để đội tàu trong nước từng bước chuyển đổi theo xu hướng thế giới nhằm tối ưu hóa chi phí vận tải, giảm phụ thuộc vào đội tàu của nước ngoài.

     

    “Hiện nay chúng ta đang mở ra nhiều cơ hội cho đội tàu biển của Việt Nam. Tuy nhiên cũng tạo ra những thách thức đối với thị phần do đội tàu vận tải container nước ngoài thâm nhập thị trường vận tải nội địa rất lớn. Trong bối cảnh này, việc phát triển đội tàu vận tải biển luôn được đánh giá là rất cần thiết, kỳ vọng sẽ giảm phụ thuộc vào đội tàu của nước ngoài” - TS. Hồ Minh Sơn nói.

     

    Day manh, phat trien van tai bien khong de dang hinh anh 2

     

    Xây dựng đội tàu trong giai đoạn ngắn hạn tính khả thi không cao kèm với đó tính mở của cảng biển Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề tháo gỡ. (Ảnh: Nguyễn Quang)

     

    Không dễ dàng!

     

    Theo ông Đặng Ngọc Quý, Công ty TNHH Thương mại - sản xuất - chế biến xuất nhập khẩu trái cây Tam Nguyên Fruit- TP.HCM, cước logicstic do hãng tàu quốc tế đưa ra đã tăng hơn 50% và doanh nghiệp trong nước chỉ biết “cắn răng chịu đựng”. Do đó, việc hình thành đội tàu vận tải quốc gia, các doanh nghiệp xuất khẩu rất ủng hộ.

     

    Tuy nhiên, hình thành đội tàu đòi hỏi nguồn đầu tư lớn, nếu chỉ giải quyết vấn đề ngắn hạn giảm chi phí logistics thì chưa đủ vì khi đưa vào vận hành không chuyên nghiệp, thiếu tính thương mại, đội tàu sẽ khó có thể cạnh tranh với những hãng tàu lớn và trở thành gánh nặng cho nền kinh tế nước nhà.

     

    “Nếu xây dựng được mà giá thành giảm thì càng tốt chứ giá thành như giá của hãng quốc tế thì thôi đừng làm. Bởi hiện đối tác quốc tế họ luôn chỉ định hãng tàu để đưa hàng sang cho họ. Tính cạnh tranh nằm ở chỗ khi doanh nghiệp Việt xuất hàng Việt và chọn phương án hãng tàu Việt Nam để xuất hàng… Quan trọng đối tác họ có chịu hay không, rồi dịch vụ của mình sang nước bạn có được tiếp đón hay không luôn là vấn đề lớn” - ông Đặng Ngọc Quý nêu ý kiến.

     

    Với nhiệm phục phát triển kinh tế, thể hiện vai trò của một quốc gia có biển, đội tàu quốc gia được hình thành có thể vươn ra biển xa đang trở lên cấp thiết hơn bao giờ hết với ngành Hàng hải Việt Nam và các bộ ngành có liên quan. Đây cũng là nhiệm vụ chiến lược mang tính lâu dài cần được thực hiện chọn lọc, có sự đánh giá đầy đủ để mang tính thực tiễn khách quan linh hoạt với tình hình hình mới./.

     

    Nguyễn Quang/VOV-TP.HCM

     

    Bài viết của:https://vov.vn/kinh-te/day-manh-phat-trien-van-tai-bien-khong-de-dang-post1021667.vov

  • Để Logistics phát triển cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật

     

    Để Logistics phát triển cần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật

     

    17/05/2023 07:59

     

    Bất cập lớn nhất hiện nay là hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics chưa đồng bộ, chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm và giới hạn quản lý giữa các cơ quan nhà nước trong việc quản lý hoạt động logistics. Qua đó, đã làm cho việc quản lý và điều hành hoạt động logistics còn gặp rất nhiều khó khăn.

     

    pexels-pok-rie-5829126.jpg

     

    Hiện còn nhiều bất cập từ luật pháp, chính sách trong lĩnh vực Logistics (Ảnh minh họa)

     

    Bất cập về chính sách trong ngành Logistics

     

    Theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Linh và ThS. Nguyễn Thị Thu Hoài (Khoa Luật, Trường Đại học Đà Lạt), hiện nay, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics đang phải tuân thủ cùng lúc ít nhất 2 tầng điều kiện kinh doanh, một là điều kiện cho ngành riêng lẻ trong chuỗi và hai là điều kiện chung của chuỗi logistics khi bị gọi là ngành nghề kinh doanh. Mỗi hoạt động này tương ứng với một ngành, nghề kinh doanh và được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành. Do vậy, doanh nghiệp phải thỏa mãn điều kiện về khai thuế hải quan hay vận tải hàng hóa, đồng thời phải có cái “” điều kiện của ngành Logistics nếu đăng ký kinh doanh theo tên này. Điều này là vô lý, vừa không phục vụ mục tiêu quản lý nhà nước, vừa làm tăng chi phí tuân thủ của doanh nghiệp6.



    Việc đăng ký kinh doanh dịch vụ logistics ở nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, vốn dĩ không hề tồn tại một “ngành, nghề” dịch vụ logistics độc lập, nên nếu cứ tiếp tục giữ logistics là ngành nghề kinh doanh có điều kiện thì doanh nghiệp sẽ bị hạn chế quyền tự do kinh doanh.

     

    Trong công trình nghiên cứu của hai nghiên cứu sinh trên, hiện nay, bất cập thể hiện ở các nhóm vấn đề: Quy định khái niệm “dịch vụ logistics” ở Việt Nam chưa thể hiện rõ bản chất của dịch vụ logistics, thiếu quy định về dịch vụ E - logistics; Quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ logistics làm hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp; Bất cập về quy định quyền và nghĩa vụ của thương nhân kinh doanh dịch vụ Logistics; Quy định trường hợp miễn trách nhiệm đối với thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics khi tổn thất là do khuyết tật của hàng hóa; Quy định định mức bồi thường thiệt hại và giới hạn trách nhiệm của thương nhân kinh doanh dịch vụ logistics; Quy định về thẩm quyền quản lý dịch vụ logistics thiếu đồng bộ.

     

    Theo Báo Hải quan, hiện có "5 nổi cộm", đặc biệt là, một số quy định còn chồng chéo, tồn tại những thủ tục hành chính và kiểm tra chuyên ngành chưa phù hợp. Một số chính sách chưa kip thời sửa đổi cho phù hợp với đặc thù của hoạt động logistics trong thực tiễn.



    Hy vọng vào đối thoại về bất cập của hệ thống pháp luật

     

    Theo báo Phát luật Việt Nam, Bộ Tư pháp vừa ban hành kế hoạch hoạt động năm 2023 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát văn bản quy phạm pháp luật.

     

    luatk.jpg

     

    Cần phải hoàn thiện pháp luật Việt Nam về dịch vụ logistics

     

    Kế hoạch nhằm xác định nội dung các công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm của các thành viên Tổ công tác, Tổ giúp việc Tổ công tác và các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong năm 2023 của Tổ công tác theo Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 12/02/2020 của Thủ tướng Chính phủ; Tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện hiệu quả, chất lượng công tác rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều bộ, ngành



    Theo kế hoạch, các nội dung công việc bao gồm: Kiện toàn Tổ công tác, Tổ giúp việc và Bộ phận Thường trực; Xây dựng các văn bản triển khai hoạt động năm 2023 của Tổ công tác; tổ chức các cuộc họp, hội nghị để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2023 của Tổ công tác, Tổ giúp việc; Theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các bộ, cơ quan liên quan thực hiện rà soát vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, xử lý kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật; Tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý văn bản quy phạm pháp luật phục vụ triển khai Đề án 06; Tổ chức rà soát quy định pháp luật về thi hành án dân sự; Tổ chức rà soát, cho ý kiến độc lập và đề xuất giải pháp xử lý đối với vướng mắc cu thể về pháp lý có tính chất liên ngành; Cho ý kiến độc lập đối với kết quả rà soát, đề xuất xử lý văn bản hành chính thuộc thẩm quyền ban hành của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức các đoàn khảo sát kết hợp tổ chức Hội thảo lấy ý kiến, nắm bắt, tiếp nhận các thông tin phản ánh về nhóm văn bản quy phạm pháp luật mẫu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn tại một số địa phương; Tổ chức các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội ngành, nghề để tiếp nhận, trao đổi, thảo luận về các phản ánh về vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật…

     

    Để dịch vụ logistics phát triển mạnh mẽ hơn thì các luật chuyên ngành có liên quan như Bộ luật Hàng hải Việt Nam năm 2015, Luật Giao thông đường bộ… cũng cần được hoàn thiện theo hướng thống nhất và đồng bộ về việc điều chỉnh dịch vụ logistics. Các doanh nghiệp Logistics cần được đối thoại, cơ quan Nhà nước cần lắng nghe và sửa đổi./.

     

    Bảo Hân (tổng hợp)

     

    Bài viết của:https://vietnamnet.vn/thong-tin-truyen-thong

  • Điều tồi tệ nhất đối với vận chuyển container liệu đã qua?

     

    Điều tồi tệ nhất đối với vận chuyển container liệu đã qua?

     

    01/05/2023 08:42

     

    Theo Alphaliner, giá thuê tàu đã tăng đều đặn đối với hầu hết các cỡ tàu, trong khi thời gian thuê cũng ngày càng dài, đặc biệt là đối với những tàu tốt nhất và tiết kiệm năng lượng nhất

     

    Theo Zencargo, giá cước giao ngay và hợp đồng có thể gần chạm đáy trên hầu hết các giao dịch khi các dấu hiệu phục hồi xuất hiện sau nhiều tháng giá cước giảm mạnh.

     

    ctn.jpg

     

    Giảm giá cước giao ngay cho container do nhiều nguyên nhân

     

    Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến, Zencargo VP Ocean Anne-Sophie Fribourg đã kể lại câu chuyện quen thuộc về việc giảm giá cước giao ngay cho container cho đến nửa cuối năm 2022 khi tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng giảm bớt và nhu cầu vận chuyển đường biển giảm do niềm tin của người tiêu dùng thấp hơn và hàng tồn kho của nhà bán lẻ cao.

     

    Fribourg cho biết, giá cước xuyên Đại Tây Dương bắt đầu giảm vào cuối năm 2022 và xu hướng giảm đó đã tăng nhanh trong quý đầu tiên của năm 2023, cho thấy tác động trực tiếp đến giá cước từ việc tăng dung lượng thị trường. Bà cho biết thêm, các tàu mới gia nhập thị trường có thể giúp tăng công suất toàn cầu khoảng 8% vào năm 2023.

     

    Tôi nghĩ rằng chúng ta đang chạm đáy, và một trong những dấu hiệu là kể từ đầu tháng 3, chúng ta đã thấy nhu cầu ở Á-Âu tăng đột biến. Điều này hơi ngạc nhiên… sự gia tăng nhu cầu đối với một số sản phẩm như xe điện hoặc tấm pin mặt trời đã tạo ra một chút hạn chế về không gian. Các hãng vận tải đã cố gắng ngăn chặn việc giảm giá cước và thậm chí tăng một chút trên tuyến xuyên Thái Bình Dương do chương trình vận chuyển trống lớn và các hãng tàu hiện đang thực hiện GRI.”

     

    ctn1.jpg

     

    Quan điểm chung của thị trường là những nỗ lực của hãng vận tải nhằm hạn chế sức tải thông qua các chuyến đi bị hủy không có nhiều tác dụng.

     

    Cho đến gần đây, quan điểm chung của thị trường là những nỗ lực của hãng vận tải nhằm hạn chế sức tải thông qua các chuyến đi bị hủy không có nhiều tác dụng. Khi được hỏi liệu cô ấy có nghĩ rằng GRI sẽ được thị trường chấp nhận hay không, ribourg cho biết cô ấy coi đó là một chiến thuật mà các hãng đang sử dụng để thử và hỗ trợ giá cước trên tuyến xuyên Thái Bình Dương trước khi đàm phán lại hợp đồng sẽ bắt đầu vào tháng 5, nhưng không phải là một biện pháp bền vững.

     

    Fribourg cho biết việc giảm công suất khi nhu cầu gia tăng chẳng hạn như trên các tuyến châu Âu sẽ là một phương pháp hiệu quả để hỗ trợ giá cước, nhưng có giới hạn về mức độ có thể đi trong khi duy trì mức độ dịch vụ cho khách hàng.

     

    Giá cước giao ngay đang quay trở lại mức trước COVID ở hầu hết mọi nơi, ngoại trừ các giao dịch xuyên Đại Tây Dương vốn đã phục hồi hơn do nhu cầu cao hơn nhờ đồng đô la mạnh và các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ “friend-shoring”. Fribourg cho biết: “Chúng ta sẽ thấy hoạt động khá tốt trên tuyến xuyên Đại Tây Dương nhưng nếu công suất quá cao, thì chúng ta cũng sẽ thấy giá cước giảm theo”. Fribourg cho biết kết quả cuối cùng của diễn biến thị trường hiện tại là khách hàng nên tìm cách thương lượng giá cước dài hạn ít nhất 3 tháng.

     

    Đây là thời điểm thích hợp vì để phục hồi hiệu quả hoạt động và mức độ dịch vụ tốt… chúng tôi hiện đang ở trong thị trường của người mua, nơi các hãng tàu đang tìm kiếm khối lượng nhưng chúng tôi đang tìm kiếm dịch vụ tốt.” “Tôi cũng nghĩ điều quan trọng là xây dựng lại mối quan hệ giữa các đối tác. Tôi nghĩ rằng trong vài năm qua, mối quan hệ với các nhà mạng đã bị tổn hại vì tất cả những gì đã xảy ra". Fribourg cho biết cần phải xây dựng lại các mối quan hệ, nhất quán, cam kết và thực hiện từ cả hai bên.

     

    Trong khi đó, theo Splash247, ngày càng có nhiều ý kiến cho rằng vận tải container đã chạm đáy với nhiều chỉ số đang trên đà phục hồi sau 9 tháng sụt giảm.

     

    Splash đã báo cáo 8 ngày trước về cách nhiều nhà phân tích bao gồm từ các ngân hàng HSBC và Jefferies đã gọi là đáy của thị trường. Trong những ngày gần đây, giá thuê tàu đã tăng, đồng thời các yêu cầu về trọng tải cũ vẫn tăng mạnh, trong khi Chỉ số Container Thế giới Tổng hợp (WCI) của Drewry đã tăng 4% vào ngày hôm qua lên 1.773,58 USD/feu – mức tăng đầu tiên trong 15 tuần.

     

    alphalead-1024x494.jpg

     

    Giao dịch từ Trung Quốc đến Bắc Âu, bờ Tây Hoa Kỳ và bờ Đông Hoa Kỳ đều có dấu hiệu phục hồi

     

    Lars Jensen, người sáng lập công ty tư vấn Vespucci Maritime, nhận xét: “Chỉ số Drewry WCI hàng tuần hiện đang có các dấu hiệu cho thấy thị trường có thể đã chạm đáy và đang dần bắt đầu hồi phục nhờ các giao dịch vận tải lớn”. Jensen lưu ý rằng các giao dịch từ Trung Quốc đến Bắc Âu, bờ Tây Hoa Kỳ và bờ Đông Hoa Kỳ đều có dấu hiệu phục hồi.

     

    Để tăng công suất, Jefferies đã chỉ ra trong tuần này rằng tốc độ vận chuyển container đã giảm xuống mức thấp mới, vượt qua mức thấp được thấy trong giai đoạn đầu của đại dịch covid. Tốc độ vận chuyển của các tàu container là 13,5 hải lý/giờ trong Q1, giảm so với mức trung bình 14,3 hải lý của năm 2022 và 14,5 hải lý của năm 2021. Tốc độ di chuyển hiện tại thấp hơn so với tốc độ 14,1 hải lý/giờ được thấy trong giai đoạn đầu của đại dịch covid năm 2020. Việc giảm 0,8 hải lý/giờ trong năm nay tương đương với việc loại bỏ 4,5% công suất tàu hiện có, theo phân tích của Jefferies. HSBC đã thảo luận trong tuần này về “sự lạc quan” của mình rằng giá cước giao ngay không chỉ ổn định mà còn có khả năng phục hồi.

     

    Chúng tôi hy vọng các hãng tàu sẽ tìm cách củng cố thị trường giao ngay để duy trì mức giá hợp đồng cao hơn trong mùa hè”, HSBC cho biết trong báo cáo giám sát vận chuyển hàng hóa mới nhất của mình. Mong muốn thúc đẩy kinh doanh, các hãng tàu đang đưa tàu của họ hoạt động trở lại. Theo Alphaliner, trong nửa đầu tháng 4, đội tàu container không hoạt động đã giảm trong khoảng hai tuần, lần thứ ba liên tiếp.


    Theo Alphaliner, giá thuê tàu đã tăng đều đặn đối với hầu hết các cỡ tàu, trong khi thời gian thuê cũng ngày càng dài, đặc biệt là đối với những tàu tốt nhất và tiết kiệm năng lượng nhất./.

     

    Nguồn: Seatrade-maritime & Splash247

     

    Bảo Hân (tổng hợp)

     

    Bài viết của:https://vlr.vn/dieu-toi-te-nhat-doi-voi-van-chuyen-container-lieu-da-qua-13227.html

  • Đổi mới hoạt động dịch vụ logistics là yếu tố "vàng" thúc đẩy xuất khẩu

     

    Đổi mới hoạt động dịch vụ logistics là yếu tố "vàng" thúc đẩy xuất khẩu

     

    Chủ nhật, 21/05/2023 | 20:00

     

    Trước bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó, các chuyên gia sốt ruột cho rằng cần sớm đưa ra những giải pháp hạ nhiệt chi phí logistics giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực.
     

    Giảm phí logistics hợp lý để "mở đường" hàng xuất khẩu

     

    Theo Đại Đoàn Kết, trong bối cảnh xuất khẩu đang gặp không ít khó khăn nhưng chi phí logistic của Việt Nam vẫn ở mức cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới bởi chi phí cao kéo giá thành sản phẩm đi lên.

     

    Cụ thể, Tập đoàn AEON - nhà bán lẻ lớn đầu tư vào Việt Nam là đơn vị tích cực đưa nông sản Việt vào hệ thống siêu thị tại Nhật Bản. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Công ty TNHH AEON Việt Nam Furusawa Yasuyuki cho biết, xoài Việt Nam chất lượng tương đương xoài Thái Lan, Philippines nhưng khi đưa vào thị trường Nhật Bản giá bán đắt hơn gần 20% nên lượng tiêu thụ không cao. Một trong những nguyên nhân khiến loại trái cây này bị đội giá là chi phí logistics Việt Nam cao hơn Thái Lan, Philippines.

     

    Tronng khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang nhấn mạnh, hiện chi phí logistics của hàng dệt may Việt Nam cao hơn Thái Lan 6%, Trung Quốc 7%, Malaysia 12% và cao gấp 3 lần Singapore. Điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của sản phẩm dệt may trong nước so với các nước trong khu vực Đông Nam Á dù Việt Nam được cho là quốc gia có chi phí nhân công thấp. Theo ông Giang, chi phí logistics cao không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của hàng hóa, mà còn trở thành rào cản đối với doanh nghiệp khi thâm nhập thị trường mới.

     

    Trường thực tế trên, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội (HNLA) Trần Đức Nghĩa thông tin: Hiện chi phí logistics trung bình của Việt Nam ở mức 16,8 - 17% giá trị hàng hóa, thậm chí có những mặt hàng doanh nghiệp phải chi trả tới 20-25%. Ví dụ, một container gỗ trị giá 20.000 - 30.000 USD nhưng trong đó chi phí logistics chiếm tới 20-30% (4.000 - 9.000 USD), điều này đã bào mòn hết lợi nhuận của doanh nghiệp xuất khẩu.

     

    Số liệu từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng cho thấy, chi phí logistics so sánh với tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Việt Nam đang ở mức 16,8%, so với bình quân thế giới là 10,7%. Tính trong ASEAN, chi phí logistics Việt Nam cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,5%, Malaysia 13% và Thái Lan là 15,5%. Hiện 90% doanh nghiệp logistics đang hoạt động là doanh nghiệp Việt, nhưng chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

     

    Theo VLA, số lượng doanh nghiệp nhiều nhưng chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, quy mô hạn chế cả về vốn và nhân lực cũng như kinh nghiệm hoạt động quốc tế, chưa có sự liên kết giữa các khâu trong chuỗi cung ứng logistics, và giữa doanh nghiệp dịch vụ logistics với doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Điều đó dẫn đến ở cả chiều mua và bán, doanh nghiệp logistics trong nước đều bị hạn chế về “sân chơi”.

     

    Dù vậy, trước bối cảnh xuất khẩu đang gặp khó, các chuyên gia sốt ruột cho rằng cần sớm đưa ra những giải pháp hạ nhiệt chi phí logistics giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực chi phí, nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế.

     

    Kinh tế vĩ mô - Đổi mới hoạt động dịch vụ logistics là yếu tố 'vàng' thúc đẩy xuất khẩu

     

    "Bài toán" cần nâng chất lượng logistics

     

    Thông tin trên Kinh tế & Đô thị,theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, nếu muốn nâng cao chất lượng dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, Chính phủ cần có lộ trình rõ ràng về xây dựng hệ thống logistics.

     

    Liên quan đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trung tâm dịch vụ logistics khu vực Đông Nam Á, Chủ tịch VLA Lê Duy Hiệp kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, trung tâm dịch vụ logistics bởi đầu tư lĩnh vực này cần kinh phí đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, rủi ro cao. “Phải có cơ chế chính sách, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển, đặc biệt xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế” - ông Hiệp đề xuất.

     

    Việt Nam cần có chính sách để thu hút FDI vào ngành logistics. Các cơ quan quản lý cần nới lỏng tỷ lệ vốn đầu tư vào logistics trên vốn đầu tư nước ngoài để không kìm hãm nguồn vốn FDI vào ngành logistics Việt Nam.

     

    Dưới góc độ doanh nghiệp Chủ tịch Công ty CP Giao nhận Vận tải Con Ong Đinh Hữu Thạnh hiến kế, Chính phủ sớm cho thử nghiệm hình thức kinh doanh đại lý của các doanh nghiệp logistics, qua đó tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.

     

    “Để logistics phát triển và cạnh tranh với các nước, cần phải tạo sự liên kết giữa các yếu tố trong chuỗi cung ứng như hải quan, kho cảng, hãng vận tải đường bộ, hãng tàu,…qua đó giúp giảm thời gian giao nhận hàng. Đồng thời, cải thiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử”-ông Thạch nêu rõ.

     

    Trước đó, tại Diễn đàn Logistics khu vực châu Âu - châu Mỹ do Bộ Công Thương vừa tổ chức, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Sam Mo cũng kiến nghị, Việt Nam nên hình thành hệ thống EDI (hệ thống trao đổi dữ liệu điện tử).Cụ thể, các bên liên quan đến logistics như công ty vận tải, kho hàng, hải quan… được kết nối thông qua hệ thống điện tử duy nhất để giúp doanh nghiệp tiếp nhận thông tin nhanh chóng, tiết kiệm nhiều thời gian, chi phí. “Chính phủ tiêu chuẩn hoá dịch vụ hạ tầng logistics bằng việc áp dụng giá cước chuẩn hoá, thống nhất hệ thống thu phí, giúp nâng cao lòng tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp”, ông Mo hiến kế.

     

    Ngoài ra, để giảm chi phí không đáng có khi xuất khẩu hàng Việt ra thế giới đòi hỏi cơ quan quản lý cần hoàn thiện cơ chế phát triển logistics. Doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, các địa phương, cơ quan chức năng trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch phải chú ý sự kết nối hạ tầng giao thông với các trung tâm logistics để có quy hoạch toàn diện trong phát triển lĩnh vực này.

     

    Việt Nam tăng hạng trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu

     

    Mới đây, tại buổi họp báo giới thiệu "Triển lãm quốc tế logistics Việt Nam 2023-VILOG 2023”  ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: "Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, cũng như từng địa phương, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế".

     

    Trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể với tốc độ bình quân từ 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Số lượng các doanh nghiệp và chất lượng kinh doanh dịch vụ logistics ngày càng tăng lên, đóng góp không nhỏ đưa kết quả xuất nhập khẩu hàng hóa đạt mức cao nhất từ trước đến nay là 732,5 tỷ USD, tăng 9,5% so với năm 2021.

     

    "Theo đánh giá của Agility năm 2022, Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu”, ông Trần Thanh Hải cho hay.

     

    Tuy nhiên, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cũng nhìn nhận, ngành logistics Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, như: Chi phí logistics còn cao; thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp dịch vụ logistics với nhau và với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực về tài chính của các doanh nghiệp logistics Việt Nam còn yếu, việc tiến ra thị trường nước ngoài còn chưa đáng kể.

     

    4 tháng năm 2023: Việt Nam xuất siêu 6,35 tỷ USD

     

    Theo Bộ Công Thương, cán cân thương mại của Việt Nam trong tháng 4 tiếp tục xuất siêu khoảng 1,51 tỷ USD, nâng tổng xuất siêu trong 4 tháng đầu năm 2023 là 6,35 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 2,35 tỷ USD).

     

    Trúc Chi(t/h)

     

    Bài viết của:https://www.nguoiduatin.vn/doi-moi-dich-vu-logistics-la-yeu-to-vang-thuc-day-xuat-khau-a608792.html

CÔNG TY CỔ PHẦN ICD CAM RANH

Địa chỉ: TDP Đá Bạc, Phường Cam Linh, Thành phố Cam Ranh, Tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam
Điện thoại: 02583.955868 / Hotline: 0913.266357 (Mr. Lâm)
Email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it. / Website: www.icdcr.com.vn